Một số vướng mắc
Theo đó, đại biểu Thúy chất vấn việc Công ty TNHH một thành viên đường sắt đô thị số 1 TP.HCM vận hành, bảo trì tuyến đường sắt đô thị chưa được giải quyết kinh phí nên không thể tuyển dụng nhân sự bảo trì, bàn giao cho nhà thầu đào tạo.
Từ đó, có nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tiềm ẩn chi phí phát sinh.
Cử tri đặt câu hỏi vì sao vấn đề không lớn nhưng việc giải quyết lại chậm, kéo dài từ 2021 đến nay, cả nhà tài trợ nước ngoài cũng quan ngại.
Từ đó, đại biểu Thúy đề nghị làm rõ vướng mắc ở đâu? Chính phủ sẽ xử lý như thế nào và khi nào giải quyết được?
Trả lời nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tờ trình năm 2015 của UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan việc thành lập công ty này.
Trong đó, vốn điều lệ phân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2015 - 2017 là 14 tỉ đồng. Giai đoạn từ 2018 là 16.788 tỉ đồng, bao gồm nguồn tiếp nhận tài sản bàn giao từ các dự án hoàn thành chuyển giao liên quan trực tiếp vận hành, bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập công ty là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP là chủ sở hữu với mức vốn điều lệ 14 tỉ đồng.
Tuy nhiên mức vốn điều lệ này chưa phù hợp quy định tại nghị định 172 về thành lập, tổ chức, giải thể Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Công ty TNHH một thành viên là công ty con của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo đó, mức vốn điều kiện khi thành lập công ty này không thấp hơn 100 tỉ đồng.
Trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, UBND TP.HCM không thực hiện giao chỉ tiêu và đánh giá xếp loại hằng năm đối với công ty này theo quy định. Do đó, doanh nghiệp không đáp ứng quy định tại nghị định 91/2015 của Chính phủ để xem xét việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
Cũng theo văn bản của Thủ tướng, trong quá trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết vướng mắc, UBND TP.HCM thay đổi đề xuất nhiều lần.
Tại văn bản đề xuất ngày 31-3-2023 của TP.HCM có nội dung điều chỉnh về mức vốn điều lệ là 16.802 tỉ đồng, không thay đổi so với đề án thành lập doanh nghiệp nhưng TP đề xuất không phân chia giai đoạn.
Đồng thời, chủ động phân bổ theo nhu cầu của doanh nghiệp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách TP cũng như tình hình tiếp nhận, bàn giao tài sản từ dự án xây dựng tuyến đường sắt.
Còn tại văn bản ngày 15-3, TP đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và giao UBND quyết định mức vốn điều lệ của công ty cho phù hợp với tiến độ thực tế của dự án, quy định về mức vốn tối thiểu theo quy định.
Giao UBND TP.HCM rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ công ty
Văn bản của Thủ tướng nêu rõ ngày 8-2, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.
Trong đó, điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công là cuối quý 4-2023. Thời gian hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng là từ 2024 đến 2028.
Do thời gian hoàn thành thi công kéo dài đã ảnh hưởng đến việc bố trí nguồn lực hoạt động của công ty cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại.
Thủ tướng nhắc lại quá trình xử lý vướng mắc với công ty này từ năm 2022 đến nay. Trong đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của các bộ, cơ quan, UBND TP.HCM tại cuộc họp ngày 28-6-2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã kết luận.
Cụ thể, giao UBND TP.HCM rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của công ty cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp với tiến độ thực tế dự án và quy định mức vốn tối thiểu thành lập theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ đạo UBND TP.HCM khẩn trương thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Văn phòng Chính phủ cũng tiếp tục có văn bản đôn đốc việc này.
Hiện nay, UBND TP.HCM đang tập trung triển khai chỉ đạo nêu trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận