08/07/2020 05:43 GMT+7

Thủ tướng: Tiếp tục đề xuất miễn giảm thuế, huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như trên tại hội nghị triển khai công tác ngành tài chính tổ chức hôm 7-7. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng: Tiếp tục đề xuất miễn giảm thuế, huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển - Ảnh 1.

Tại một cửa hàng ở quận 1 (TP.HCM) vừa trả mặt bằng sau dịch COVID-19 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Quy mô GDP của chúng ta khoảng 300 tỉ USD. Theo thông lệ như các nước, chúng ta sẽ hỗ trợ khoảng 30 tỉ USD. Đến nay chúng ta mới hỗ trợ trên 15.000 tỉ đồng. Do đó, phải tính toán các biện pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục kích thích phát triển sản xuất.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Theo Thủ tướng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suy thoái kinh tế khiến hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có để kích cầu, tạo việc làm, hỗ trợ người dân. Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỉ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỉ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thúc Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm thuế

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong 6 tháng qua, Thủ tướng đặt vấn đề: trong nửa thời gian còn lại của năm, ngành tài chính cần tiếp tục làm gì để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp?

Cho hay nhiều nước thay đổi luật lệ, thể chế để phù hợp với dịch bệnh vì chuỗi cung ứng đứt gãy, tỉ lệ thất nghiệp quá lớn, theo Thủ tướng, Việt Nam cần chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng cho rằng có thể nâng bội chi và nợ công lên 3-4% GDP mà không ảnh hưởng đến thâm hụt tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Bởi quy mô tỉ lệ nợ công/GDP của chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vấn đề là phải có phương án, giải pháp sử dụng vốn hiệu quả.

Phải cắt giảm phí, lệ phí

Không để mất cân đối lớn trong thu ngân sách nhà nước năm nay nhưng bên cạnh việc giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô... Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tham mưu cho các địa phương các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát để cắt giảm các phí, lệ phí, nhất là thủ tục hành chính, dịch vụ công, xây dựng, giao thông...

Ngoài nhiệm vụ trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xử lý nghiêm vi phạm quy định pháp luật về giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế với quyết tâm giữ lạm phát ở mức dưới 4%.

Về nhiệm vụ thu ngân sách, Thủ tướng đánh giá ngành tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước mà cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Do đó, ông đề nghị chính sách tài chính cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, động lực tăng trưởng mới.

Về chi ngân sách nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành, địa phương phải tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết. Như việc giảm 70% chi phí đi công tác nước ngoài thì tiết kiệm được 700 tỉ đồng ở các cơ quan trung ương. Nếu địa phương cũng thực hiện theo tinh thần này thì số tiền tiết kiệm sẽ gấp mấy lần con số này.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phải thực hiện việc đẩy mạnh giải ngân hết vốn đầu tư công của năm nay với 700.000 tỉ đồng tương ứng 30 tỉ USD. Ông yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT rà soát để báo cáo Thủ tướng việc điều chuyển vốn của các ngành địa phương giải ngân vốn chậm và tiến hành ngay trong tháng 8 tới.

Một nhiệm vụ của những tháng cuối năm mà Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính là phải cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ, giảm bớt tiếp xúc thủ tục giữa công chức và doanh nghiệp, ngăn chặn nhũng nhiễu tiêu cực. Đồng thời, các đơn vị ngành tài chính cũng phải cắt giảm các cuộc thanh tra kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vụ Bắc Ninh là điển hình của sự lạm dụng công vụ, tiêu cực cần xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn ngành thuế và hải quan.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

"Doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn"

Tính đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 668.700 tỉ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013.

Trong thu nội địa, số thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Làn sóng trả mặt bằng vẫn tiếp diễn

tra mat bang 2 5(read-only)

Chi nhánh của một DN tại quận 1 (TP.HCM) vừa trả lại mặt bằng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dù các hàng quán ở TP.HCM đã hoạt động trở lại nhưng làn sóng đóng cửa, trả mặt bằng tại nhiều nơi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo ghi nhận, một doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực có tiếng ở TP.HCM không thể cõng chi phí mặt bằng 180 triệu đồng/tháng ở đường Hồ Tùng Mậu (Q.1) nên tháng qua đành đóng cửa chi nhánh dù đây là khu kinh doanh ẩm thực sôi động bậc nhất ở TP.HCM.

Trong khi đó, nhiều tiệm ẩm thực trên đường Ngô Đức Kế cũng lần lượt nối đuôi nhau đóng cửa, có những mặt bằng từ cao điểm dịch cho đến nay vẫn treo biển cho thuê hàng quán.

Tại khu phố Hàn Quốc (Q.7), chừng 1 tháng trở lại đây có rất nhiều dịch vụ giải trí, tiệm ăn uống chuyên phục vụ người Hàn cũng nối tiếp làn sóng trả mặt bằng. Theo chủ một tiệm cơm tại khu phố Hàn này, kinh doanh ế ẩm nên nhiều cửa hàng phải đóng cửa là tất yếu.

Hoạt động trong lĩnh vực sang nhượng mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Nghĩa (chuyên tư vấn cho thuê và mua bán bất động sản) cho biết hiện nay có xu hướng các doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, dịch vụ trở nên co cụm lại khi đóng cửa các chi nhánh lớn để dồn về những mặt bằng có chi phí thấp bằng phân nửa. Sau dịch, ông Nghĩa cho biết giá mặt bằng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ... ở các quận trung tâm TP vẫn giữ giá cao, chỉ số ít mặt bằng biến động theo hướng giảm song chỉ giảm nhỏ giọt chưa đến 10%. Tuy vậy, ông Nghĩa nhận định số lượng khách hàng tìm hiểu, thuê mới mặt bằng đã giảm 15-20% so với trước.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Duy Thiện - giám đốc dự án của The Coffee House - cho biết các doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu trở về giá thuê mặt bằng như cũ khi một số chủ nhà giảm giá hỗ trợ doanh nghiệp đã qua thời gian 3 tháng. Tại thời điểm này, ông Thiện cho biết nhiều mặt bằng không giảm giá mà còn tăng 7-10% ở điểm đắc địa.

NGỌC HIỂN

Mua bán ế ẩm vẫn chưa được miễn giảm thuế, phí Mua bán ế ẩm vẫn chưa được miễn giảm thuế, phí

TTO - Tiểu thương tại nhiều chợ ở TP.HCM cho biết vẫn chưa được miễn, giảm thuế, phí và chưa nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên