05/10/2024 14:17 GMT+7

Thủ tướng: Thủ tục thông thoáng, rút gọn để làm nhanh nhất đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Rà soát lại các cơ chế đặc thù, đặc biệt, gắn với đơn giản hóa, cắt giảm bớt các thủ tục để rút ngắn thi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thủ tướng: Thủ tục thông thoáng, rút gọn để làm nhanh nhất đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận như vậy khi chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, sáng 5-10.

Dự án có tính kết nối, huy động nguồn lực tổng hợp

Đánh giá cao tinh thần khẩn trương của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng việc triển khai các dự án cần làm sớm nhất có thể. Trên cơ sở Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư dự án với tốc độ tối đa 350km/h, là đường sắt lưỡng dụng, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần tính kỹ các phương án kỹ thuật, hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh giao cắt. Dự án qua núi làm hầm, qua sông bắc cầu, tránh các khu dân cư, đô thị lớn, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi trong thi công, tạo không gian phát triển mới.

Tuyến đường sắt phải vừa phục vụ hành khách, vừa vận tải hàng hóa, đáp ứng mục đích kinh tế, du lịch và quốc phòng an ninh.

Vì vậy cần tính toán các ga, vị trí trung tâm về quân sự, quốc phòng. Dự án cần kết nối Tây Nguyên, kết nối hành lang Đông Tây, các sân bay, cảng biển lớn, có khả năng kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đồng thời cần sơ bộ tổng mức đầu tư để bảo đảm chính xác, có suất đầu tư phù hợp, cụ thể. Từ đó rà soát lại các cơ chế đặc thù, đặc biệt, gắn với đơn giản hóa, cắt giảm bớt các thủ tục. Tinh thần thực hiện là không làm sai, không làm thiếu nhưng phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định, xét duyệt thủ tục.

Về huy động nguồn lực tài chính, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần đa dạng hóa các nguồn lực. Trong đó, nguồn đầu tư công (gồm vốn trung ương và địa phương) là chính, huy động vốn vay như trái phiếu công trình, hợp tác công tư (ví dụ thiết kế nhà ga…).

Tương tự với nguồn nhân lực, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bao gồm khâu giải phóng mặt bằng, máy móc thiết bị trên cơ sở huy động sức mạnh nhân dân, doanh nghiệp, tổng lực nhân lực và phương tiện của đất nước cho dự án.

Thủ tướng: Có cơ chế đặc thù, đặc biệt cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Cùng đó, cần chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực, dự kiến cần 20.000 người. Trong đó cần rà soát lại nhân lực cần đào tạo lại, phân công phải "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm". Lưu ý phải chuẩn bị nguồn lực con người cho vận hành từ sớm, chuyển giao công nghệ.

Đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế, tác động tiềm lực, vị thế đất nước

Để đảm bảo tiến độ dự án, vấn đề giải phóng mặt bằng rất quan trọng nên sẽ được tách riêng, thực hiện phân cấp cho địa phương. Mọi thủ tục phải rút gọn, khi thi công phải huy động tối đa nguồn lực, gồm nguồn lực địa phương. Các nhà thầu trong nước cũng sẵn sàng tham gia dự án.

Về quản lý chi phí, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá bao quát, làm rõ tác động nợ công. Đánh giá hiệu quả kinh tế mang lại và những tác động đến tiềm lực, vị thế của đất nước.

Đó là việc tạo thuận lợi đi lại, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, tăng hiệu ứng của xã hội. Theo Thủ tướng, đây chính là tiềm lực của đất nước. Cơ đồ, tiềm lực của đất nước chính là ở đây.

Về vật liệu xây dựng, ông cũng nhất trí việc có chính sách đặc thù khai thác vật liệu xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần lưu ý vấn đề khai thác mỏ. Tận dụng nguồn nguyên vật liệu, nhất là tận dụng nguồn đất đá khi đào hồ, khai thác mỏ để dùng vào san lấp với sự linh hoạt, phân cấp địa phương.

Về tổ chức, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ đã thành lập tổ công tác, Bộ Giao thông vận tải cần lập tổ giúp việc chuyên trách xây dựng, triển khai dự án với các nhân sự có chất lượng tốt nhất.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

"Cần mạnh dạn làm dự án lớn, làm đến đâu, hoàn chỉnh đến đó. Cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc để phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, vận dụng sáng tạo truyền thống nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong lịch sử dân tộc để làm công trình này" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Thủ tục thông thoáng, rút gọn làm nhanh nhất đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 3.Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Những vấn đề cần tính toán

Góp ý của chuyên gia và bạn đọc về việc chuẩn bị tự chủ nguồn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên