Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Từ đó thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Cải cách hành chính giúp tăng trưởng, tạo việc làm
Thủ tướng đánh giá cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong cải cách thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; chế độ công vụ; tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện; góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng.
Người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở một số lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để…
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, các đại biểu cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện nhiệm vụ.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp, khẳng định sự chủ động, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong 10 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 văn bản quy phạm pháp luật.
Lũy kế từ năm 2021 đến 31-10, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh.
Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính trong 1.086 thủ tục hành chính (đạt 40%).
Về vị trí việc làm, đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành. 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Chính sách pháp luật còn thiếu đồng bộ
Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong xây dựng đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng, quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nghị định số 73 ngày 29-9-2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hiện Bộ Nội vụ đang tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định số 138 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và nghị định số 115 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Việc sửa đổi này nhằm đổi mới một số vấn đề về công vụ, công chức.
Dù vậy, cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ.
Một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.
Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, xây dựng...
Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận