Cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng 6-5 tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu các nhóm kiến nghị, đề xuất. Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng giúp Hà Nội hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới.
Đề xuất nhiều cơ chế triển khai đường vành đai 4 - vùng thủ đô
Các nhóm đề nghị bao gồm các kiến nghị về đường vành đai 4 - vùng thủ đô; đường sắt đô thị; các vấn đề về nhà ở; đất đai và việc phân cấp, ủy quyền.
Trong đó, về dự án đường vành đai 4, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư.
Để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các tiểu dự án trong dự án PPP, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho thành phố là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP.
Về việc áp dụng cơ chế đặc thù của dự án đường vành đai 4, thành phố đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP và BOT (dự án thành phần 3); được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Với các kiến nghị trên, Thủ tướng và các phó thủ tướng đã trực tiếp trả lời tại cuộc họp, đặc biệt liên quan đến các đề xuất về việc đầu tư đường vành đai 4 - vùng thủ đô, dự án đường sắt đô thị, nhà ở, vấn đề liên quan đất đai...
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc, trong đó, các bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất.
Việc xử lý vấn đề cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời. Thủ tướng giao Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-5.
Trong đó, với các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án, Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn, Bộ Giao thông vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến; hoàn thành trong quý 2-2023.
Các bộ ngành và địa phương phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền
Về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của quỹ phát triển đất, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng nghị định về tổ chức và hoạt động quỹ phát triển đất, trình Chính phủ trong quý 3-2023.
Về việc ứng vốn từ quỹ phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý kiến nghị của Hà Nội, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2023.
Về đề nghị Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, đây là nội dung được nhiều địa phương kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết phù hợp.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu xây dựng, phát triển thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Ông lưu ý, thành phố cần nâng cao khả năng dự báo, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời; khẩn trương hoàn thành các quy hoạch liên quan. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm lãi suất...
Để thúc đẩy đầu tư, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận