Điểm nổi bật thứ hai là có sự tham gia của đông đảo giới trẻ, những người dưới 25 tuổi nhưng đặc biệt quan tâm đến chính trị và mong muốn nhiều sự thay đổi cho đất nước.
Những người trẻ này lựa chọn Đảng Tiến bước (Move Forward) và có mặt bỏ phiếu rất đông đảo. Trong đêm 13-5, đêm cuối trước ngày bầu cử, rất nhiều người trẻ đã tham gia cuộc tụ tập thể hiện sự ủng hộ cho Đảng Tiến bước. Sự chia rẽ về quan điểm giữa các thế hệ trẻ - già cũng thể hiện rất rõ trong cuộc bầu cử này.
Điểm nổi bật thứ ba là có sự "quay xe" của nhiều cử tri lớn tuổi sang ủng hộ đảng hứa hẹn sự đổi mới. Nhìn chung, người Thái Lan muốn thể hiện sự phán quyết của mình qua lá phiếu, muốn đất nước có một hướng đi rõ ràng và muốn sự thay đổi. Đó là những động lực khiến họ đi bầu.
Hơn 50% lá phiếu sẽ được kiểm khoảng 2 - 3 tiếng sau khi đóng các điểm bỏ phiếu. Khi đó có thể nắm được thông tin sơ bộ đảng nào được nhiều lá phiếu cử tri nhất. Tuy nhiên để biết ai là thủ tướng Thái Lan thì vẫn là ẩn số.
Do 250 ghế Thượng viện đã được bầu xong dưới thời chính quyền thân quân đội đương nhiệm, cuộc bầu cử ngày 14-5 là sự lựa chọn của cử tri với 500 ghế Hạ viện, trong đó 400 người được lựa chọn trong các cuộc bầu cử ở các khu vực.
100 người còn lại được bầu ra từ các danh sách đề cử của các đảng. Đây là hình thức đại diện theo tỉ lệ, trong đó nhiều ứng viên được bầu từ danh sách do các đảng tương ứng của họ chuẩn bị, dựa trên tổng số phiếu mà đảng đó nhận được.
Trong các cuộc bầu cử trước đây, để quyết định ai là thủ tướng, vai trò của Thượng viện không lớn.
Ứng viên thủ tướng phải được hơn 50% tổng số nghị sĩ của lưỡng viện ủng hộ, nghĩa là phải giành tối thiểu 376 phiếu bầu.
Trong cuộc bầu cử năm nay, do 250 ghế Thượng viện đã được ấn định dưới thời chính quyền đương nhiệm (các chính trị gia thân quân đội), nên ứng viên thủ tướng của các đảng thân quân đội có ưu thế từ đầu.
Do đó, các đảng đối lập phải giành được 376 ghế (trong 500 ghế Hạ viện) trong cuộc bầu cử ngày 14-5 thì mới đảm bảo đại diện của mình có thể trở thành thủ tướng.
Cuộc bầu cử năm nay là câu trả lời của người Thái Lan về việc họ có muốn Thái Lan có người đứng đầu thân quân đội nữa hay không. Có lẽ là không.
Các khảo sát cho thấy Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) có khả năng được nhiều ghế nhất (khoảng 200/500 ghế), đứng thứ hai là Đảng Tiến bước, dự kiến được 110 - 120 ghế.
Đảng Quốc gia Thái thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha nhiều khả năng đứng thứ 3 hoặc thứ 4 với khoảng 40 ghế.
Nhiều dự đoán Đảng Pheu Thai có thể liên minh với Đảng Palang Pracharath với ứng cử viên thân quân đội là Prawit Wongsuwan, hoặc Đảng Bhumjaithai do ứng viên Anutin Charnvirakul, người hứa hẹn hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa của Thái Lan, đứng đầu để thành lập chính phủ nhưng các dự đoán đều là quá sớm. Cả hai đảng Palang Pracharath và Bhumjaithai đều có quan hệ tốt với các nghị sĩ Thượng viện.
Chắc chắn, kết quả về việc ai là thủ tướng của cuộc bầu cử năm nay sẽ cần thời gian lâu hơn bình thường.
Cuộc đua tam mã?
Ủy ban Bầu cử Thái Lan ước tính 80% trong tổng số 52 triệu cử tri hợp lệ đi bầu trong ngày 14-5, tỉ lệ cao nhất trong các cuộc bầu cử Hạ viện ở nước này kể từ năm 1946.
Theo báo Strait Times, 62 cá nhân đã được các đảng phái Thái Lan đăng ký làm ứng viên thủ tướng. Song, đến thời điểm bầu cử, cuộc đua giành ghế thủ tướng Thái Lan hầu như chỉ xoay quanh ba ứng viên: đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (Đảng UTN), bà Paetongtarn Shinawatra (Đảng Pheu Thai) và tỉ phú Pita Limjaroenrat (Đảng Tiến bước).
Là người đến sớm nhất trong ba người, ông Chan-o-cha chia sẻ tại điểm bỏ phiếu: "Tôi mong thật nhiều người dân sẽ đến bầu".
Ông Limjaroenrat, ứng viên dẫn đầu nhiều kết quả khảo sát công bố cận ngày bầu cử, gửi gắm thế hệ trẻ: "Tôi hy vọng đất nước sẽ tôn trọng nguyện vọng của nhân dân. Thế hệ trẻ ngày nay quan tâm đến các quyền của mình. Do đó, họ chắc chắn sẽ đi bầu".
Còn bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhấn mạnh: "Người dân yêu cầu sự thay đổi", đồng thời tự tin dự đoán chiến thắng áp đảo cho Đảng Pheu Thai.
Trong cuộc bầu cử năm nay, tỉ lệ cử tri dưới 42 tuổi lên đến hơn 40%, là bộ phận cử tri đông đảo nhất, hứa hẹn sẽ đóng vai trò then chốt với kết quả bầu cử.
Chị Nicharee Tangnoi, 29 tuổi, chia sẻ với Hãng tin Reuters: "Chính phủ đương nhiệm đã cố hết sức và tôi hy vọng chính phủ tiếp theo sẽ hoàn thành những gì đã hứa".
Bà Mallika Sriboonreung, 60 tuổi, cho biết: "Tôi đi bầu vì tôi mong sẽ có một người tốt hơn điều hành đất nước".
NGỌC ĐỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận