Người biểu tình đốt lốp xe trên một con đường ở thủ đô Khartoum, Sudan ngày 26-10 - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AP, việc trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và vợ ông diễn ra sau khi quốc tế lên án cuộc đảo chính, và kêu gọi quân đội Sudan trả tự do cho tất cả quan chức chính quyền dân sự đã bị bắt.
Thông báo từ văn phòng ông Hamdok cho biết các quan chức chính phủ khác vẫn đang bị giam giữ song không rõ địa điểm nào.
Trong khi đó, một quan chức quân đội Sudan cho biết an ninh đang được siết chặt quanh nhà ông Hamdok ở khu dân cư cao cấp Kafouri tại thủ đô Khartoum, nhưng không nói liệu ông Hamdok có được tự do rời khỏi nhà hay gọi điện thoại hay không.
Cũng trong ngày 26-10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện được với ông Hamdok, hoan nghênh việc ông được trả tự do, đồng thời kêu gọi quân đội Sudan thả tất cả các lãnh đạo dân sự đang bị giam giữ tại nước này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo ngừng hỗ trợ khẩn cấp 700 triệu USD cho Sudan, cũng như đang cân nhắc gửi các tín hiệu mạnh hơn tới các tướng quân đội Sudan.
Cùng ngày, theo Hãng tin Reuters, tướng Abdel Fattah Burhan - người tiến hành cuộc đảo chính kiểm soát đất nước hôm 25-10 - khẳng định việc lật đổ chính phủ là để tránh một cuộc nội chiến.
Trước đó, tướng Burhan cho biết ông Hamdok bị giam giữ vì sự an toàn cho chính thủ tướng và sẽ được thả. Tuy nhiên, ông Burhan cảnh báo các thành viên khác của chính phủ bị lật đổ có thể ra tòa trong khi các cuộc biểu tình phản đối đảo chính vẫn tiếp tục diễn ra trên đường phố.
Ngày 26-10, nhiều người biểu tình đã chặn một số con đường ở thủ đô Sudan, đốt lốp xe để phản đối cuộc đảo chính. Theo một quan chức Bộ Y tế Sudan, ít nhất 7 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình này.
Trong lần xuất hiện thứ hai trước công chúng từ khi nắm quyền, tướng Burhan cho biết quân đội buộc phải vào cuộc để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng tại Sudan.
Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Sudan không suôn sẻ do chia rẽ chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4-2019. Theo thỏa hiệp của các bên, quốc gia này được chính quyền quân sự - dân sự lãnh đạo cho đến cuộc bầu cử năm 2023.
Tuy nhiên, hai nhóm này liên tục cạnh tranh và triệt tiêu ảnh hưởng lẫn nhau, khiến nền chính trị Sudan thêm rối ren.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận