Người biểu tình tràn vào dinh tổng thống Sri Lanka - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa được cho là sẽ tuyên bố từ chức vào ngày 13-7. Trong khi đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng sẽ từ chức (chưa rõ thời gian) để chính phủ lâm thời của các đảng tiếp quản.
Các chuyên gia hiến pháp cho biết nếu tổng thống và thủ tướng từ chức thì chủ tịch hạ viện sẽ được bổ nhiệm làm quyền tổng thống. Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới trong vòng 30 ngày.
Ngày 10-7, các nhà lãnh đạo biểu tình nói họ sẽ chiếm dinh thự của tổng thống và thủ tướng cho đến khi hai người này rời nhiệm sở.
"Tổng thống phải từ chức, thủ tướng phải từ chức và chính phủ phải giải tán", nhà viết kịch Ruwanthie de Chickera nói trong cuộc họp báo của những người biểu tình tại thủ đô Colombo.
Trước đó một ngày, hàng ngàn người biểu tình xông vào nhà và văn phòng của Tổng thống Rajapaksa do bất mãn về khủng hoảng kinh tế.
Sau khi hai nhà lãnh đạo thông báo sẽ từ chức, các con đường ở Colombo đã yên ắng hơn. Trong cả ngày 10-7, những người biểu tình đã tràn ngập khắp dinh tổng thống. Các thành viên lực lượng an ninh cầm súng trường đứng bên ngoài khu nhà nhưng không ngăn cản mọi người ra vào.
Người biểu tình ngồi thử sofa sang trọng trong dinh tổng thống - Ảnh: REUTERS
"Tôi chưa từng thấy nơi nào như thế này trong đời", bà Chandrawathi (61 tuổi) cho biết trong lúc ngồi thử chiếc ghế sofa sang trọng trong phòng ngủ ở tầng 1.
"Họ tận hưởng cuộc sống siêu sang trong khi chúng tôi phải chịu đựng. Tôi muốn con và cháu mình nhìn thấy lối sống xa hoa mà họ đang hưởng".
Gần đó, một nhóm thanh niên chen chúc nhau nằm trên một chiếc giường lớn, những người khác thì thay phiên dùng máy chạy bộ được đặt trước cửa sổ lớn, nhìn ra bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận.
Người biểu tình bơi trong hồ bơi ở dinh tổng thống - Ảnh: REUTERS
Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 70 năm qua. Đại dịch COVID-19 làm suy yếu nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng khiến nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men bị đình trệ.
Nợ chính phủ tăng, giá dầu tăng và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học kéo dài 7 tháng vào năm ngoái đang tàn phá nền nông nghiệp.
Chính phủ yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và đóng cửa trường học để tiết kiệm nhiên liệu. Lạm phát ở quốc gia hơn 22 triệu dân này đã lên tới 54,6% vào tháng trước và ngân hàng trung ương cảnh báo có thể tăng lên 70% trong những tháng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận