Ngày 5-4, tại hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu nêu những thông điệp quan trọng.
Theo Thủ tướng, với chặng đường 30 năm, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã khẳng định vai trò không thể thiếu khi đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của trên 60 triệu người dân trong lưu vực.
Tuy vậy, Thủ tướng nhìn nhận lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Bởi tác động của biến đổi khí hậu, sức ép phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.
Hệ quả, nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia.
Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều tác động lớn
Thủ tướng dẫn chứng điều này từ thực trạng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam để thấy tác động tiêu cực. Giai đoạn từ 2010-2020, tổng lượng dòng chảy đã suy giảm từ 4-8%, trong khi các nước gia tăng sử dụng nước sông Mekong từ 5-12%.
Bởi thế, dòng chảy từ thượng nguồn đổ về hạ du và Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm nghiêm trọng. Đồng bằng thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng. Hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1-1,5 tháng với cường độ lớn.
Sự suy giảm dòng chảy cũng làm thay đổi chế độ lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm giảm lượng phù sa về đồng bằng và gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển.
Theo Thủ tướng, các hiện tượng trên đây được dự báo sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của vùng và sinh kế của hơn 20 triệu người dân sinh sống.
Các chuyên gia dự báo vào năm 2040 vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Bởi vậy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần đổi mới tư duy hợp tác, có bước đi đột phá để đáp ứng yêu cầu cấp bách. Trong đó, ông nhấn mạnh việc cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước trước đó.
Mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm. Có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững, tăng khả năng thích ứng. Các nước cần có cơ chế triển khai hợp tác hiệu quả hơn khi có tình huống xấu.
Ủy hội sông Mekong quốc tế cần phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác. Nhất là vai trò trung tâm tri thức, cung cấp các thông tin, số liệu và kiến thức và dịch vụ tư vấn cho các cơ chế.
Đề xuất xây dựng hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước
Về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị Ủy hội phối hợp với đối tác đối thoại là Trung Quốc, Myanmar xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, kịp thời thông tin đến các quốc gia ven sông để chủ động ứng phó với các biến động bất thường.
Cùng với đó là việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ các quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nâng cao mạng lưới điện hướng tới phát triển bền vững. Các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại.
Nhắc đến đặc điểm của dòng sông Mekong quanh co, uốn khúc, song Thủ tướng khẳng định "thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch". Mục tiêu là vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai.
Theo đó, ông khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của Ủy hội với tinh thần hợp tác Mekong, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân, cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận