03/10/2020 09:07 GMT+7

Thủ tướng: Sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.

Thủ tướng: Sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 - Ảnh 1.

Công nhân một tập đoàn giày da ở Bình Dương trong công đoạn sản xuất giày cho thị trường Mỹ trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm qua 2-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19 và lần này đã thay đổi cách thức, cách làm nên đến nay đã 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, song vẫn không được chủ quan với dịch bệnh.

Mục tiêu kép đạt kết quả tốt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết quý 3 tăng trưởng đạt 2,62%, đặc biệt các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý 4 và cả năm 2020. "Đây là cơ sở để nhận định rằng chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Những điểm sáng đáng chú ý như xuất siêu 17 tỉ USD là con số kỷ lục, riêng khu vực trong nước tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỉ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao.

Nông nghiệp vẫn là điểm sáng khi phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỉ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động; sản xuất công nghiệp, tháng 9-2020, cũng đã có sự khởi sắc, mở ra hi vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh; nhu cầu tiêu dùng phục hồi...

Gỡ từng dự án, kích cầu nội địa

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng đặt ra đầu năm.

Trong khi đó, nhiều thách thức nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm. 

Tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm 2019, cho thấy người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng, tín dụng tăng trưởng còn thấp.

Với từng vấn đề tồn tại, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020.

Ông yêu cầu đẩy nhanh phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, mở rộng khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm, tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI...

Ông nhấn mạnh chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử. Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.

Xuất siêu kỷ lục, nhưng vẫn lo đơn hàng giảm

Mặc dù xuất siêu trong 9 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục với 17 tỉ USD, song nhiều ngành sản xuất trong nước vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực.

Trả lời báo Tuổi Trẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-10, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - cho hay tác động của dịch COVID-19 khiến đơn hàng dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ tính đơn hàng từng tháng, từng tuần. Chính phủ đã có chỉ đạo triển khai giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàxuất khẩu.

Trong đó tập trung tận dụng tốt cơ hội FTA, tìm giải pháp tháo gỡ thị trường và tìm thị trường mới, cung cấp thông tin xúc tiến xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại.

Lại chờ gói hỗ trợ! Lại chờ gói hỗ trợ!

TTO - Đợt dịch COVID-19 thứ hai đã tạm lắng, doanh nghiệp lục tục trở lại làm ăn lại phải đối diện ngay với thực tế: đã hết thời hạn được gia hạn nộp thuế theo gói hỗ trợ thứ nhất được đưa ra tháng 4-2020.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên