Sáng 15-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 địa phương.
Cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cải cách hành chính là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Quan điểm là cải cách hành chính phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm; phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thủ tướng, cải cách hành chính đã nhận được quan tâm từ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tổ chức thực hiện quyết liệt. Nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong đó, năm 2023 xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 12 bậc theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu của các tổ chức xếp hạng thế giới; Chỉ số tự do kinh tế tăng 4 bậc, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc so với năm 2022…
Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Vướng mắc liên quan về thể chế, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn diễn ra.
Thực tiễn đòi hỏi cần sớm khắc phục, mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước để phục vụ phục hồi phát triển. Bởi nếu chúng ta không tập trung cải cách hành chính thì sẽ gây cản trở, phiền hà, làm giảm nguồn lực của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu cuộc họp phân tích, chỉ ra các vướng mắc, bài học kinh nghiệm, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn với tinh thần "khó mấy cũng phải làm".
Khơi thông nguồn lực, giảm phiền hà
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm" để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, dễ khen thưởng. Mục tiêu là khơi thông nguồn lực cho đất nước, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.943 quy định kinh doanh tại 250 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 18,6%.
Các bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 40 thủ tục hành chính nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 thủ tục; phê duyệt phương án đơn giản hóa tổng số 861 thủ tục.
Tính đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 828 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 76%.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) đã phục vụ 99 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 2.288 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 789.000 hồ sơ, tài liệu giấy.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trung bình toàn quốc đạt 42%; kết quả số hóa tại các bộ, ngành đạt 31,11%, tại các địa phương đạt 53,20%. 63/63 tỉnh thành đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến; 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt 2.292.771 hồ sơ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận