07/01/2021 13:20 GMT+7

Thủ tướng: Quyết liệt giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việt Nam quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch hành động chung để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững.

Thủ tướng: Quyết liệt giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh - Ảnh: CẤN DŨNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương sáng 7-1 tại Hà Nội.

Nhắc đến kết quả xuất khẩu là một trong những thành tích nổi bật của ngành công thương khi giữ được nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, với mức xuất siêu 20 tỉ USD, Thủ tướng cho rằng cơ cấu ngành xuất khẩu cải thiện theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng chế biến và tham gia sâu vào chỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy, đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt lên mức trên 500 tỉ USD.

Nỗ lực trao đổi với Hoa Kỳ

Tuy vậy, khi nhắc đến vấn đề thâm hụt thương mại, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

"Chính phủ Việt Nam quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch hành động chung, hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhắc lại ngày 22-12-2020 đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề nghị không áp thuế với Việt Nam vì lý do cơ cấu sản phẩm, tiêu dùng của từng nước. Tiếp theo, ngày hôm qua (6-1), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Trong tối nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng sẽ điện đàm với trưởng Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) nhằm trao đổi thông tin, hiện thực hóa những nội dung mà hai nhà lãnh đạo đã trao đổi, nhằm tiến tới việc Mỹ xóa bỏ vụ việc này, tránh những hệ quả xấu cho thương mại và đầu tư.

Cùng với các kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như ngành công nghiệp thiếu tính bền vững, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Sự đa dạng hóa thị trường chưa cao, lợi thế cạnh tranh vẫn chủ yếu giá cả chứ chưa phải giá trị, chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ...

Thủ tướng cũng cho rằng chưa khai thác tốt thị trường 100 triệu dân, tình trạng hàng gian, hàng giả còn phức tạp, chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng nông thôn lên thành thị. Năng lực quản lý nhiều cơ quan quản lý còn bất cập, nhiều chủ trương chính sách triển khai chậm, chưa đồng bộ...

Thủ tướng: Quyết liệt giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu cần tập trung hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực phát triển, tái cơ cấu công nghiệp - Ảnh: CẤN DŨNG

Nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh các ngành

Thủ tướng nhận định trong bối cảnh năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nên ngành cần xây dựng và hoàn thiện chính sách với tầm nhìn dài hạn, hướng năng suất, chất lượng, cạnh tranh, phân bổ sử dụng nguồn lực theo nguyên tắc thị trường.

Ông yêu cầu ngành công thương cần bám sát Nghị quyết 01, 02, thực hiện có hiệu quả, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, khơi thông nguồn lực.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tái cơ cấu về phát triển công nghiệp quốc gia, giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm đảm bảo vững chắc năng lượng phát triển đát nước theo hướng bền vững, như nghị quyết về phát triển năng lượng, xây dựng sơ đồ điện VIII minh bạch, chặt chẽ, sáng tạo, tạo thuận lợi doanh nghiệp.

Triển khai hiệu quả cơ hội thị trường mà các FTA mang lại, hạn chế bớt rủi ro, thách thức. Đổi mới tư duy hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường mới, hạn chế phụ thuộc thị trường.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu vấn đề kinh tế quốc tế, hoàn thiện chính sách liên quan phòng vệ thương mại, trả đũa thương mại, thuế bảo hộ, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, nâng cao công tác kiểm tra, chống hàng giả gian lận thương mại, đặc biệt là sở hữu trí tuệ, phát triển thương mại điện tử gắn với các loại hình thương mại khác. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phóng chống COVID-19 hiệu quả và đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.

Thủ tướng: ‘Sân bay Long Thành nằm trong top được mong chờ nhất thế giới’ Thủ tướng: ‘Sân bay Long Thành nằm trong top được mong chờ nhất thế giới’

TTO - Sáng 5-1, tại lễ khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dự án nằm trong top 16 được mong chờ nhất thế giới, là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên