05/03/2022 20:20 GMT+7

Thủ tướng phát lệnh khánh thành 'siêu cống' thủy lợi lớn nhất Việt Nam

CHÍ QUỐC - CHÍ CÔNG
CHÍ QUỐC - CHÍ CÔNG

TTO - “Siêu cống” thủy lợi lớn nhất Việt Nam đã được Thủ tướng phát lệnh chính thức khánh thành. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án này.

Thủ tướng phát lệnh khánh thành siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 chiều 5-3 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 5-3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính thức ấn nút khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (xây dựng trên địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành của tỉnh Kiên Giang).

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng, gồm nhiều công trình như các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61, 8 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên - An Minh, hệ thống quan trắc, giám sát tự động và đặc biệt còn có hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đáng chú ý nhất trong cụm các công trình nêu trên là cống Cái Lớn với quy mô "khủng": rộng 455m với 11 cửa (mỗi cửa rộng 40m) và 2 âu thuyền (mỗi âu rộng 15m). Toàn bộ dự án này được khởi công từ tháng 10-2019 và đã hoàn thành cơ bản, đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, kịp kiểm soát mặn ngay đầu mùa khô năm 2021-2022.

Nhiệm vụ của "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé và các công trình liên quan là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là hơn 346.000ha.

Ngoài ra, cụm công trình này kết hợp với tuyến đê Biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất), giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng...

Thủ tướng phát lệnh khánh thành siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

"Siêu cống" Cái Lớn nhìn từ trên cao trong ngày khánh thành - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là công trình của ý Đảng lòng dân, của trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong điều kiện khó khăn, đã phấn đấu vươn lên phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Công trình cũng thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động.

Thủ tướng lưu ý phải đưa công trình vào khai thác, vận hành hiệu quả; phải chuẩn bị thủ tục thanh quyết toán mạch lạc, rõ ràng, chống tiêu cực. Tiếp đến là có quy trình vận hành đúng quy trình, quy định, khai thác có hiệu quả; tiếp tục đầu tư thêm những gì chưa đầu tư được, đặc biệt là tích lũy cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá cho những dự án về sau.

Thủ tướng phát lệnh khánh thành siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, địa phương trong vùng ĐBSCL nhấn nút chính thức khánh thành công trình thủy lợi "khủng" nhất Việt Nam - Ảnh: CHÍ QUỐC

"Tiếp tục chăm lo đời sống của người dân nhường diện tích ở, đất đai của mình cho dự án. Không phải là thanh toán tiền đền bù theo quy định rồi để người dân sống thế nào thì sống là không được. Phải chăm lo theo quan điểm người dân tái định cư nơi khác phải có cuộc sống ít nhất là bằng và hơn cuộc sống nơi ở cũ, năm sau phải cao hơn năm trước", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng cho rằng cần tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án nêu trên. Theo đó, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thủ tục, cần bao nhiêu vốn, cần Chính phủ hỗ trợ gì thì báo cáo để triển khai ngay, liên tục, không đứt đoạn, tránh lãng phí.

3 nút thắt cần tháo gỡ cho Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt:

Một là nút thắt hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu, hạ tầng về chuyển đổi số và hạ tầng về chuyển đổi năng lượng.

Nút thắt này đang từng bước được tháo gỡ, trong đó hạ tầng giao thông đang rất quyết tâm đầu tư các hệ thống đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, Trần Đề (Sóc Trăng) - Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang) và tuyến cao tốc 30km qua tỉnh Đồng Tháp kết nối 2 tuyến cao tốc trên. Thêm vào đó xây dựng cảng nước sâu Trần Đề theo hình thức hợp tác công tư; đầu tư phát triển hệ thống chống biến đổi khí hậu.

Hai là nút thắt về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Con người vẫn là trung tâm, là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển, nên phải tập trung nâng cao chất lượng. Song song đó là nâng cao hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục.

Ba là nút thắt kết nối vùng, sản xuất lớn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thủ tướng phát lệnh khánh thành siêu cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Hiện tại cống Cái Lớn vẫn đang mở, nhưng khi độ mặn lên cao, cơ quan quản lý, vận hành cống sẽ đóng cống để kiểm soát mặn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngắm Ngắm 'siêu cống' lớn nhất Việt Nam vừa đưa vào vận hành

TTO - “Siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé vừa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép vận hành không chỉ phục vụ kiểm soát mặn mà còn là điểm nhấn kiến trúc ở miền Tây.


CHÍ QUỐC - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên