Tối 2-6, tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức kỷ niệm 420 năm hình thành, 75 năm Quảng Bình quật khởi và 35 năm tái lập tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đã có mặt tham dự lễ kỷ niệm.
Tại diễn văn buổi lễ, ông Vũ Đại Thắng, bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đã thành kính bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với tổ tiên, các bậc tiền nhân đã có công khai sáng nên vùng đất Quảng Bình; mãi mãi tôn vinh và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí, đồng đội đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Bước ngoặt lịch sử
Cũng theo ông Thắng, Quảng Bình là danh xưng thiêng liêng nối liền một dải non sông đất Việt, đã hiện diện trong cơ cấu hành chính Nhà nước Văn Lang với tên gọi "Bộ Việt Thường". Đến năm 1604, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình.
Bước ngoặt của Quảng Bình là thời điểm 1-7-1989. Đây là thời điểm Bình Trị Thiên được tách ra thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Quảng Bình chính thức trở về với địa giới hành chính và tên gọi vốn có trong lịch sử.
"Mỗi bước phát triển của Quảng Bình hôm nay mang trong mình hào khí ngàn xưa của ông cha trao lại, của lớp lớp bao thế hệ người dân Quảng Bình dày công vun đắp, xây dựng và bảo vệ", ông Vũ Đại Thắng nói.
Thủ tướng hiến kế giúp Quảng Bình phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Quảng Bình có cơ hội to lớn phát triển bứt phá trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình thực hiện nhiều nhiệm vụ có định hướng. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên, là điểm đến hấp dẫn và khác biệt, tầm vóc thế giới, phát huy lợi thế "Vương quốc hang động" với hệ thống hơn 500 hang, trong đó có các hang Sơn Đoòng, hang Én "độc nhất vô nhị" của thế giới; để du lịch thật sự là ngành mũi nhọn, đột phá phát triển kinh tế - xã hội, gắn với lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và các ngành, lĩnh vực mới nổi. Phát huy lợi thế về cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế để đưa Quảng Bình trở thành một đầu mối giao thương quan trọng ở miền Trung.
"Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi những thắng cảnh đẹp, hang động, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, rừng xanh - đây là những tài sản quý giá cần nâng niu, gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát, kiểm tra một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong đó có công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, tại Khu công nghiệp cảng biển Hòn La (tại thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch); công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối tại vị trí số 9 thuộc dự án thành phần ĐZ 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình tại nút giao xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch).
Trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; viếng và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, tỉnh Quảng Bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận