Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện, động viên cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang trong việc phòng chống dịch - Ảnh: TTXVN
"Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn.
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH
Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, một số bộ ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam: An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tây Ninh.
Phải dự liệu tình huống xấu nhất
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho biết đây là thời điểm "nước sôi lửa bỏng" nên Thủ tướng Chính phủ phải họp khẩn cấp với các địa phương Tây Nam Bộ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.
Qua theo dõi cho thấy nhiều tỉnh vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa xảy ra dịch ở địa phương nhưng đến khi dịch xảy ra lại hốt hoảng, thực hiện nhiều biện pháp thái quá.
Báo cáo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch... Tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp.
Diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng và Campuchia đã dỡ phong tỏa, nên dự báo trong những ngày tới lượng người nhập cảnh cả hợp pháp lẫn trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng..., nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn.
Bộ trưởng đề nghị phải tiếp tục siết chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển..., phát động nhân dân tố giác người nhập cảnh trái phép. Các địa phương biên giới Tây Nam Bộ phải xác định tinh thần luôn luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải "coi như mình đã có dịch"; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng...
Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhận định: Về tình hình hiện nay, chúng ta đang kiểm soát tốt, nhưng áp lực rất lớn. Phó thủ tướng nhấn mạnh phải đánh giá đúng tình hình, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang...
Đồng thời chúng ta cũng phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát công tác phòng chống dịch tại khu vực biên giới phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc (An Giang) - Ảnh: B.ĐẤU
Chuẩn bị kịch bản có 30.000 người nhiễm
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện những tính chất mới hơn, có những đặc thù diễn biến nhanh hơn và phức tạp hơn, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhìn chung chúng ta đang kiểm soát tốt nhưng nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân thì chúng ta sẽ thất bại.
Bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ".
Cán bộ, nhất là người đứng đầu, còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng; đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thủ tướng yêu cầu "phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay".
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục chỉ ra địa chỉ, con người cụ thể, "lúc này không có nể nang", "phải kết hợp hài hòa phòng ngự với tấn công, tấn công tốt thì mới phòng ngự, phòng ngự tốt mới đảm bảo tấn công tốt".
Trong các nhiệm vụ cần làm được kết luận, Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị cho kịch bản "cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị" bởi dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo. Nhưng ưu tiên là giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; kết thúc năm học 2020 - 2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.
Các bộ ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Một lần nữa, Thủ tướng nhắc nhở: "Không hoảng hốt, không lo sợ; hết sức tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh trong phòng chống dịch".
Lúng túng với người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Lãnh đạo các tỉnh đã kiến nghị Chính phủ một số nội dung liên quan đến vấn đề trao trả người nước ngoài nhập cảnh trái phép đã hết thời gian cách ly; tạo thêm nguồn lực để triển khai hỗ trợ kiều bào tại Campuchia; điều kiện để bảo đảm tổ chức cách ly khi kiều bào từ Campuchia về nước...
"Cái khó hiện nay là số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bắt được 73 người và đã trao trả được 50 người, còn lại 23 người hết cách ly nhưng không thể thả ra. Nếu đưa số nhập cảnh trái phép mới vào chung lại không được, còn trao trả cho phía bạn Trung Quốc thì họ không nhận.
Chúng tôi đã có kiến nghị và xin Thủ tướng giúp Long An chỉ đạo xử lý vấn đề này" - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An Nguyễn Văn Được phản ánh tình hình.
Dịch lan ra nhiều tỉnh thành, an toàn phòng dịch ra sao?
TP.HCM: các bệnh viện hạn chế chuyển tuyến
Người dân được kiểm tra thân nhiệt, giữ khoảng cách 2m khi đến thăm khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trước cảnh báo tốc độ lây lan dịch lần này nhanh hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ), TP.HCM đang chuẩn bị nhiều kịch bản nhằm duy trì "khoảng an toàn" cho người dân thành phố.
Điều này được thể hiện rõ từ việc tạm dừng karaoke, quán bar, vũ trường, hay mới nhất là quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 10-5 khi nhận diện được các nguy cơ. Vào cuộc khoanh vùng, truy vết, cách ly hàng loạt trường hợp là F1, F2 do liên quan đến các ca bệnh ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, An Giang... Đến nay, kết quả xét nghiệm đều âm tính.
Do nhiều bệnh viện ở Hà Nội trở thành ổ dịch, ngành y tế TP.HCM nhận diện có nguy cơ lây nhiễm trong cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tuyến cuối.
Để "bịt" chặt nguy cơ này, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - vừa có đề nghị khẩn các cơ sở khám chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến bệnh nhân từ cơ sở y tế tuyến dưới lên tuyến trên, chỉ chuyển người bệnh đến bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật...
Để hạn chế người bệnh đến bệnh viện, ngành y tế TP.HCM cho phép cơ sở khám chữa bệnh kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1-3 tháng đối với người bệnh mãn tính và đã điều trị ổn định.
Để không lây nhiễm trong cơ sở y tế, các bệnh viện phải chịu trách nhiệm quản lý nhân viên y tế - ngoài nâng cao ý thức phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm nguy cơ lây nhiễm cao như nhà hàng buffet, công viên giải trí, rạp chiếu phim, quán bar, karaoke...
Ngoài ra, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 phải thông báo cho sở y tế các tỉnh, thành phố khi có người bệnh xuất viện để xuyên suốt quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm bệnh nhân sau xuất viện, người nhà để phòng nguy cơ tái dương tính.
"Lưu ý các bệnh viện hạn chế để nhân viên y tế khai báo thay cho người bệnh. Các bệnh viện thực hiện giãn cách y tế, hạn chế thân nhân, người ra vào khi không cần thiết, không để người bệnh nằm ghép, giữ khoảng cách ít nhất 2m giữa các giường và đảm bảo thông khí tự nhiên", ông Tăng Chí Thượng đề nghị.
Phú Yên: tạm dừng nhiều hoạt động
Chiều 9-5, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo từ 0h ngày 10-5, bên cạnh các hoạt động tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng từ ngày 5-5, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở spa, làm đẹp, thẩm mỹ; các trung tâm, nhà hàng tiệc cưới; các hoạt động phục vụ khách du lịch và nhân dân tham quan tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phú Yên cũng chỉ đạo dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Đối với đám cưới, hỏi, đám giỗ, tiệc mừng, đám tang chỉ tổ chức trong gia đình, hạn chế tối đa số lượng người tham gia và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Tất cả những hoạt động hội họp không cần thiết cũng được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo tạm dừng, đồng thời yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị tăng cường ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin để giao dịch, làm việc trực tuyến.
Tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng phải thực hiện giãn cách và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quảng Nam: lập 7 chốt kiểm soát dịch COVID-19
Sáng 9-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp liên quan tới việc thành lập các chốt kiểm soát phòng dịch. Tại buổi họp, Ban chỉ đạo tỉnh thống nhất lập 7 chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên các tuyến đường trọng điểm, cửa ngõ.
Các chốt này có nhiệm vụ kiểm soát y tế, xác định lịch trình hoạt động của tất cả những người và phương tiện đi vào địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác phòng chống dịch của các phương tiện vận tải công cộng vào địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, xử lý và đề xuất xử lý các trường hợp không chấp hành quy định về phòng chống dịch.
Bắc Giang: tạm dừng hoạt động Công ty Shin Young Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang), cho biết trên địa bàn vừa có thêm 3 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (Công ty Shin Young - KCN Vân Trung, huyện Việt Yên) dương tính với COVID-19. Hiện Bộ Y tế chưa công bố 3 ca bệnh này.
Theo điều tra dịch tễ, cả 3 công nhân này đều tiếp xúc trực tiếp và làm cùng chuyền tại Công ty Shin Young với bệnh nhân 3243 (được Bộ Y tế công bố sáng 9-5 cùng bệnh nhân 3245).
Vĩnh Phúc: phong tỏa huyện Yên Lạc
Cùng ngày, UBND huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết đã ra quyết định thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 9-5 đến 0h ngày 24-5.
Việc cách ly đảm bảo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, thị trấn Yên Lạc cách ly với các xã. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Trước đó, chiều 8-5 tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19 tại huyện Yên Lạc.
8 nhiệm vụ trọng tâm
1. Thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo phòng chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế;
2. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới;
3. Các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu và nhập khẩu qua biên giới...;
4. Chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc; dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.
5. Đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
6. Bộ Y tế tiếp tục nhập vắcxin, thúc đẩy sản xuất vắcxin trong nước, truyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vắcxin; không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá;
7. Bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải tích cực vào cuộc, tập trung cao nhất cho phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư.
8. Các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; kết thúc năm học 2020 - 2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận