Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân tại sân bay có ông Saif Al Shamsi - trợ lý bộ trưởng Ngoại giao UAE về lễ tân; Đại sứ UAE tại Việt Nam Bader Almatrooshi và Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn.
Tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có một lịch trình bận rộn gần 30 hoạt động. Thủ tướng dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới. Ông cũng đồng chủ trì sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu” cùng Tổng giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank.
Dự kiến, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các đối tác và giữa doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam với các đối tác.
Đặc biệt, Thủ tướng sẽ có bài phát biểu khai mạc sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”, đồng thời dự và phát biểu tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai JETP.
Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP28 vào hai ngày 1 và 2-12. Hội nghị dự kiến có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp...
Mục đích hội nghị nhằm tạo diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính.
Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới; Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ làm việc, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo tổ chức quốc tế và các tập đoàn lớn của UAE, dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - UAE.
Kể từ năm 2021 tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết về việc Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đến nay, Việt Nam đã đưa ra một loạt chương trình hành động để hiện thực hóa các cam kết nhằm ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu...
Trong đó phải kể đến là việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai cam kết tại COP26, Thủ tướng phê duyệt Đề án triển khai COP26. Đặc biệt, cuối năm 2022 Việt Nam đã ký thỏa thuận quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Trong đó, các đối tác G7 cam kết huy động 15,5 tỉ USD cho Việt Nam để chuyển đổi năng lượng nhằm tăng dần tỉ trọng năng lượng tái tạo. Gói tài chính JETP này sẽ bao gồm hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân...).
Ngoài ra là các khoản tín dụng từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Trên cơ sở đó, Thủ tướng phê duyệt đề án triển khai JETP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận