Chiều 19-1 (giờ Hungary, tối cùng ngày giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Hành chính công quốc gia Hungary. Đây là tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của Hungary và từng là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo, nhà quân sự kiệt xuất của Hungary.
Trong phát biểu chào mừng, tiến sĩ Gergely Deli, hiệu trưởng Đại học Hành chính công quốc gia Hungary, cho biết cá nhân ông từng học tập tại Việt Nam, nghiên cứu về luật Việt Nam. Đại học Hành chính công Hungary cũng có mối quan hệ hợp tác rất tích cực với các trường đại học phía Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam đối với Hungary trong bối cảnh hiện nay, cũng như ý nghĩa quan trọng trong phát biểu chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ấn tượng với truyền thống hào hùng của nhân dân Hungary
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập, phân tích về những ấn tượng với đất nước, con người Hungary.
Thủ tướng nhận định tình hình thế giới hiện nay, khẳng định con đường, mục tiêu và chính sách của Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác toàn diện, tình hữu nghị Việt Nam - Hungary.
Chia sẻ những ấn tượng về đất nước, con người Hungary, Thủ tướng đánh giá cao truyền thống học thuật, những đóng góp quan trọng của Hungary đối với tri thức, khoa học, nghệ thuật thế giới. Ông đồng thời cho rằng cách tư duy, tiếp cận, phương pháp luận giải quyết các vấn đề của người Hungary có sự khác biệt, bản sắc rất riêng.
Gần đây nhất, tiến sĩ Katalin Kariko, người Hungary, là một trong những người đầu tiên phát minh ra mRNA - công nghệ đang được sử dụng trong việc điều chế các loại vắc xin phòng, chống COVID-19 tân tiến nhất thế giới, đã được giải Nobel y học năm 2023 và cứu sống hàng triệu người trước đại dịch.
Thủ tướng cũng ấn tượng với truyền thống rất hào hùng của nhân dân Hungary trong xây dựng và bảo vệ đất nước. "Tôi vừa được tới thăm Nhà Quốc hội Hungary và thấy tòa nhà thể hiện rất rõ sự tôn vinh với vai trò của nhân dân", ông nói.
Khái quát về tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng về tổng thể là hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh, về tổng thể là hòa hoãn nhưng cục bộ có xung đột, về tổng thể là ổn định nhưng cục bộ có căng thẳng.
Thế giới cũng đang nổi lên nhiều vấn đề lớn như già hóa dân số (bên cạnh đó, con người vẫn là yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển), biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Theo ông, đây đều là những vấn đề toàn cầu, không quốc gia nào bình yên nếu quốc gia khác có vấn đề; đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân, như trong đại dịch COVID-19, không người dân nào an toàn nếu còn có người khác mắc bệnh.
Do đó để giải quyết những vấn đề này cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; đồng thời có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, mọi chính sách phải hướng tới người dân, người dân tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng chính sách.
Hungary - Việt Nam: Xa cách về địa lý, gần gũi về tình cảm
Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mát, thiệt hại nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Cho đến nay, trong thời bình, hằng ngày vẫn có thêm những người bị thương do bom đạn còn sót lại, nhiều người vẫn chịu nỗi đau do chất độc da cam…
Tuy vậy Việt Nam đã "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai" để biến thù thành bạn, từ đối đầu thành đối thoại.
Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chia sẻ thêm về vấn đề quốc phòng, an ninh, Thủ tướng cho biết Việt Nam rất yêu hòa bình, thấu hiểu giá trị của hòa bình, ủng hộ hòa bình, song "lúc hòa bình phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh và trong chiến tranh phải nghĩ tới lúc hòa bình".
Khẳng định Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng cũng nêu rõ còn có rất nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu hạn chế, độ mở lớn.
Tuy xa cách về địa lý, Thủ tướng chia sẻ Hungary và Việt Nam luôn luôn gần gũi về tình cảm, đoàn kết và gắn bó, giúp đỡ trong gần 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước cũng có sự tương đồng về lịch sử và chia sẻ về nhiều giá trị chung.
Thủ tướng nhấn mạnh Hungary luôn bên cạnh Việt Nam trong những lúc khó khăn, như trong thời kỳ chiến tranh.
Gần đây nhất, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam về vắc xin, đã chia sẻ hàng trăm nghìn liều vắc xin cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất.
Hungary cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Hungary là quốc gia cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam tại khu vực Trung - Đông Âu, là nước cấp nguồn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong khu vực Trung - Đông Âu.
Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ với các sinh viên Việt Nam và Hungary về đam mê học tập, nghiên cứu, khát vọng vươn lên, tinh thần sẻ chia, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã chứng kiến các cơ quan, đơn vị hai nước trao 9 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận