Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 đến 27-6.
Bài phát biểu đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên khai mạc
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự.
Trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc.
"Việc Thủ tướng hai năm liên tiếp được mời tham dự hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực", Đại sứ Phạm Sao Mai nêu vấn đề.
Chủ đề WEF Đại Liên năm nay là "Những chân trời tăng trưởng mới", với trọng tâm trao đổi, tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng mới, các ngành công nghiệp mới.
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, tại hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có "bài phát biểu đặc biệt" ở phiên khai mạc toàn thể.
Người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ chủ trì một số phiên thảo luận, đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về các vấn đề như cơ hội hợp tác, giải pháp mới cho các vấn đề phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn.
"Tôi tin tưởng rằng, sự tham gia và đóng góp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của hội nghị", Đại sứ Phạm Sao Mai chia sẻ.
Thể hiện sự coi trọng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Khi được hỏi về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và tham dự hội nghị WEF ở Trung Quốc.
Điều đó thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Chuyến đi cũng diễn ra trước năm 2025, năm có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ song phương khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng thời gian tới hai nước cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp, các kênh, trong mọi lĩnh vực. Đồng thời tăng cường rà soát, đánh giá tình hình triển khai nhận thức chung mà lãnh đạo cao nhất hai Đảng đạt được.
Ông tin tưởng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam qua WEF Đại Liên
Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại WEF Đại Liên, theo Đại sứ Phạm Sao Mai, mở ra cơ hội giao thoa, hội nhập cho kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ những đánh giá, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thách thức, xu hướng điều chỉnh và các mô hình mới tác động đến kinh tế thế giới trong ngắn hạn và dài hạn.
Đồng thời đây là dịp để Việt Nam giới thiệu ra thế giới những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật thời gian qua, thể hiện hình ảnh một Việt Nam năng động, tích cực hội nhập, tự tin và nhiều sức hút đối với các tập đoàn toàn cầu.
Việt Nam cũng có cơ hội đóng góp vào xử lý các vấn đề chung của thế giới như thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực...
Đây còn là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước, các đối tác, các tổ chức quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận