Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và có các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 đến 18-12.
Chuyến đi diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, đánh dấu lần thứ hai trong năm 2023, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến Nhật Bản.
Hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Nhật Bản dự Hội nghị cấp cao nhóm G7 mở rộng theo lời mời của ông Kishida Fumio.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp một số lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản. Thủ tướng cũng sẽ có các hoạt động với doanh nghiệp hai nước, thăm một địa phương của Nhật Bản và một số hoạt động đa phương khác.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản được tổ chức chỉ ba tháng sau khi hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tại Indonesia.
Với Việt Nam, chuyến đi lần này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
Điều này đưa Nhật Bản trở thành nước thứ sáu trên thế giới thiết lập quan hệ ở cấp này với Việt Nam.
Do đó, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang theo nhiều kỳ vọng và thông điệp không chỉ từ Việt Nam mà còn ASEAN, tổ chức mà Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn.
Các hoạt động song phương của Thủ tướng được hy vọng sẽ cụ thể hóa những gì hai nước đã đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trong đó có tuyên bố chung giữa hai bên.
Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản gồm 52 điểm, nhấn mạnh những thành tựu trong 50 năm qua và hướng tới một chương mới trong quan hệ song phương, vì hòa bình và thịnh vượng của cả hai nước, khu vực và thế giới.
Trong đó, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản cam kết ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công".
Nhật Bản tái khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Hai bên sẽ tăng cường hợp tác các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận