Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến.
Cơ hội quảng bá Việt Nam năng động, đổi mới
Chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, từ ngày 24 đến ngày 27-6.
Chuyến công du 4 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc cũng sẽ diễn ra các hoạt động song phương, trao đổi và làm việc với nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, các doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu nước này thông qua các sự kiện hợp tác chiến lược về hạ tầng...
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, hội nghị là dịp để Việt Nam nắm bắt và đóng góp tiếng nói trong những vấn đề, xu thế mới, nội hàm mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển, quản trị.
Đây cũng là cơ hội để quảng bá thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho tập đoàn toàn cầu.
Đồng thời, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước và đối tác, tổ chức quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của nước ta đối với cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Cùng với việc tham dự diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các hoạt động song phương, làm việc tại Trung Quốc.
Các hoạt động này được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng để tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa nhận thức chung và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 10-2022. Đến tháng 12-2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược và ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt trong bối cảnh hai bên đã nhất trí và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, các hoạt động trong chuyến công du lần này của Thủ tướng sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước.
Hội nghị WEF Đại Liên có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, các mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.
Trước đó, tại Hội nghị WEF Davos 2024 diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19-1 với chủ đề "Tái thiết lòng tin", Việt Nam là 1 trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược quốc gia với WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính là 1 trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận