21/12/2023 18:19 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 6 thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế Việt Nam

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Trước các nhà ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai ngoại giao kinh tế phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Việc tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời và chính xác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự phiên họp ngoại giao kinh tế ngày 21-12 - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự phiên họp ngoại giao kinh tế ngày 21-12 - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 21-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngoại giao kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 được tổ chức tại Hà Nội.

Thủ tướng chia sẻ khi ông tham dự các sự kiện đa phương, lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ ấn tượng về Việt Nam khi có đường lối ngoại giao khéo léo, đồng thời trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn vẫn kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết quan hệ đối ngoại của Việt Nam thời gian qua đã tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước, tạo ra nhiều "điểm hơn" trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Tuy nhiên sau những cái hơn đấy, theo Thủ tướng, cần phải tạo ra của cải vật chất, các dự án cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngoại giao kinh tế của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngoại giao kinh tế của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 - Ảnh: NAM TRẦN

6 thành tựu của ngoại giao kinh tế Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngoại giao kinh tế có sáu thành tựu nổi bật:

Thứ nhất, liên tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về ngoại giao kinh tế, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về ngoại giao kinh tế.

Thứ hai, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại. Phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, từ đó huy động nguồn lực để phát triển đất nước.

Thứ ba, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân như vấn đề đại dịch, vấn đề chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Thứ tư, góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực.

Thứ năm, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc với tinh thần "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Thứ sáu, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ. Thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.

Tham dự phiên họp còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện 63 tỉnh thành họp trực tuyến cùng các đại diện doanh nghiệp lớn - Ảnh: NAM TRẦN

Tham dự phiên họp còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện 63 tỉnh thành họp trực tuyến cùng các đại diện doanh nghiệp lớn - Ảnh: NAM TRẦN

Ngoại giao kinh tế phải bám sát nhu cầu trong nước

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của ngành ngoại giao vào thành tích chung của đất nước trong ba năm qua. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý không được thỏa mãn với những gì đã đạt được.

Thủ tướng chỉ ra các điểm còn hạn chế trong ngoại giao kinh tế như: công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động, thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

"Sự đột phá về ngoại giao kinh tế là có nhưng chưa cao, ký kết nhiều nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn khiêm tốn", Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng nhấn mạnh khi triển khai ngoại giao kinh tế phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hòa về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 6 cái được, 5 hạn chế và đề ra các nhiệm vụ cho ngoại giao kinh tế trong thời gian tới - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 6 cái được, 5 hạn chế và đề ra các nhiệm vụ cho ngoại giao kinh tế trong thời gian tới - Ảnh: NAM TRẦN

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời, chính xác hơn bởi tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh, tình hình mới cần có chính sách mới và cách làm mới.

"Các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre", ông lưu ý.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngoại giao kinh tế cần bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

"Phải làm những gì người ta cần, không làm những gì ta có", Thủ tướng nói. Ông diễn giải có thể thu thập được rất nhiều thông tin nhưng phải xác định được thông tin mà người dân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần là cái gì.

Đồng thời, cần phải chủ động, tích cực đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, trong đó có những ngành có nhiều tiềm năng lớn như Halal. Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải chủ động làm chiến lược, không đợi đến khi có sự kiện mới gặp gỡ, tiếp xúc sở tại.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, "có tâm, có tầm".

Người đứng đầu Chính phủ ghé thăm một gian hàng trà - Ảnh: NAM TRẦN

Người đứng đầu Chính phủ ghé thăm một gian hàng trà - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng tham quan triển lãm ảnh về các hoạt động, thành tựu ngoại giao và đối ngoại của Việt Nam thời gian qua - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng tham quan triển lãm ảnh về các hoạt động, thành tựu ngoại giao và đối ngoại của Việt Nam thời gian qua - Ảnh: NAM TRẦN

Tranh thủ giờ nghỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lại và trao đổi với một số nhà ngoại giao, nguyên lãnh đạo và đại sứ Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Tranh thủ giờ nghỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lại và trao đổi với một số nhà ngoại giao, nguyên lãnh đạo và đại sứ Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Việt Nam cần Việt Nam cần 'dọn tổ đón đại bàng' thế nào?

Sáng 21-12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp ngoại giao kinh tế, với sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 63 tỉnh/thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên