Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi sổ tang tưởng nhớ đến cố thủ tướng Abe Shinzo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sáng 11-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Đại sứ quán Nhật Bản (số 27 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) ghi sổ tang thương tiếc cố thủ tướng Nhật Abe Shinzo.
Trong sổ tang, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết:
"Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc Ngài Abe Shinzo, người bạn lớn, thân thiết, chí tình, chí nghĩa của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, xin gửi tới Đảng Dân chủ tự do, Chính phủ Nhật Bản, nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo sự tiếc thương, lời chia buồn sâu sắc nhất. Ngài Abe Shinzo mất đi không chỉ là tổn thất to lớn với đất nước Nhật Bản mà của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Tình cảm đặc biệt và sự hỗ trợ quý báu mà Ngài Abe Shinzo đã dành cho đất nước, con người Việt Nam cũng như quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản là tài sản vô giá cho tương lai quan hệ giữa hai nước chúng ta. Trong thời gian dài Ngài làm thủ tướng Nhật Bản, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã bước sang giai đoạn mới, phát triển tốt đẹp với những dấu ấn đậm nét.
Là người bạn thân thiết, chia ngọt sẻ bùi với tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy", hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua nỗi đau thương, mất mát to lớn này, phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở trong khu vực và trên thế giới, vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước chúng ta!".
Di ảnh của cố thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được đặt trang trọng tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sinh thời, ông Abe được đánh giá là một nhà lãnh đạo Nhật Bản có tầm nhìn chiến lược. Ông đã đưa ra nhiều chính sách vực dậy nền kinh tế Nhật Bản và thắt chặt tình hữu nghị giữa Nhật với nhiều nước tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
Đối với những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, sự quan tâm của chính quyền ông Abe đã giúp họ vượt qua đại dịch COVID-19. Nhiều người chia sẻ nếu không có khoản tiền hỗ trợ không phân biệt quốc tịch của Chính phủ Nhật vào thời điểm đó, cuộc sống của họ có lẽ đã rơi vào cảnh cùng cực.
Trong 9 năm cầm quyền (lần 1 năm 2006 và lần 2 từ năm 2012 đến tháng 9-2020), ông Abe đã sang thăm Việt Nam 4 lần và để lại những câu nói đã khắc sâu vào tâm khảm của nhiều người có cơ hội gặp trực tiếp.
Sinh thời, ông Abe được đánh giá là một nhà lãnh đạo Nhật Bản có tầm nhìn chiến lược. Ông đã đưa ra nhiều chính sách vực dậy nền kinh tế Nhật Bản và thắt chặt tình hữu nghị giữa Nhật với nhiều nước tại châu Á, trong đó có Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia buồn với Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn viết sổ tang chia buồn với sự ra đi của cố thủ tướng Abe Shinzo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cựu thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát khi đang vận động sự ủng hộ cho một ứng viên nghị sĩ của Đảng Dân chủ tự do tại tỉnh Nara ngày 8-7. Ông qua đời chiều cùng ngày do mất nhiều máu dù các bác sĩ đã tích cực cứu chữa.
Sự ra đi bất ngờ của ông Abe khiến nhiều người, trong đó có các chính trị gia nước ngoài, bị sốc. Một số quốc gia đã quyết định tổ chức quốc tang để tưởng nhớ nhà lãnh đạo tài ba tầm cỡ quốc tế Abe Shinzo.
Thông báo của Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội cho biết sổ tang tưởng nhớ cố thủ tướng Abe Shinzo sẽ được mở từ 9h - 17h15 trong hai ngày 11 và 12-7 tại sảnh chính đại sứ quán ở số 27 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.
Người dân cũng có thể đến Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM ở số 261 Điện Biên Phủ, quận 3 để ghi sổ tang trong thời gian từ 10h - 17h15 ngày 11-7 và từ 9h - 17h15 ngày 12-7.
Nguồn: TTO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận