Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yamada Kenji, thống đốc tỉnh Hiroshima Hidehiko Yuzaki và liên lạc viên của Thủ tướng Maeda Shunsuke đã ra sân bay quốc tế Hiroshima đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka và Fukuoka cùng một số cán bộ cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản cũng có mặt.
Lịch trình bận rộn từ ngày đầu tiên
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trong chuyến công tác tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Điểm nhấn của chuyến đi lần này là hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng trong ngày 20 và 21-5.
Bên lề hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế khác.
Người đứng đầu Chính phủ sẽ có một lịch trình bận rộn ngay sau khi đến Nhật Bản ngày 19-5.
Hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính là gặp gỡ đại diện cộng đồng kiều bào và lãnh đạo 3 hội hữu nghị Việt Nam tại Hiroshima.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện có 476.346 người. Đây là cộng đồng người nước ngoài đông thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc, theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản đến tháng 6-2022.
Người Việt Nam hiện có mặt trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản. Trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi (hơn 40.000 người), Tokyo (hơn 36.000 người) và các tỉnh Osaka (hơn 35.000 người), Saitama (gần 26.000 người), Chiba (khoảng 20.000 người), Fukuoka (gần 20.000 người).
Rời cuộc gặp kiều bào và trí thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chiều tối 19-5. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng với lãnh đạo nước ngoài tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản.
Người đứng đầu Chính phủ kế đó tiếp doanh nghiệp Nhật Bản, dự lễ công bố đường bay mới của Vietjet từ Hà Nội/TP.HCM đến Hiroshima.
Việt Nam - Nhật Bản cùng coi trọng quan hệ song phương
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).
Chuyến đi thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song phương. Việt Nam đã ba lần được mời đến hội nghị G7 mở rộng. Lần đầu tiên là vào năm 2016, cũng vào năm Nhật Bản giữ chức chủ tịch của nhóm.
Đông Nam Á là khu vực duy nhất có hai nước được Nhật Bản mời năm nay. Việc mời Indonesia là điều dễ hiểu bởi nước này đang là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023.
Các quốc gia không phải là nước chủ tịch của một diễn đàn hoặc cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới được mời đến thượng đỉnh G7 mở rộng lần này ngoài Việt Nam chỉ có Brazil, Hàn Quốc và Úc.
"Dựa trên ý nghĩa đó, tôi cho rằng các bạn đã phần nào hiểu được việc Nhật Bản vô cùng coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ trước thềm chuyến đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận