Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1-2.
Các bộ ngành phải báo cáo Thủ tướng trong tháng 2-2023
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề việc làm, tháo gỡ khó khăn thị trường, nâng cao kỹ năng nghề.
Về vấn đề nhà ở, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính giải quyết.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục và y tế, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý 3 phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các bộ ngành có liên quan phối hợp với Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam họp bàn mục tiêu, mục đích, giải pháp, nguồn lực, cách tổ chức thực hiện hiệu quả và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 2-2023.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương sáng kiến chuyến xe 0 đồng, chăm lo Tết cho người lao động hàng nghìn tỉ đồng… của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dịp Tết Quý Mão 2023. Đồng thời, ông nhấn mạnh kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát... khi đồng lương của người lao động có hạn.
Kiến nghị ưu tiên đất xây nhà trẻ, trạm y tế khi duyệt quy hoạch
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Vân Hà - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh - cho hay các dự án căn hộ cho thuê trên địa bàn mới chỉ đáp ứng 10 - 50% nhu cầu của công nhân. Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh hỗ trợ ký túc xá nhưng chỉ đáp ứng 7.000 người. Ngoài ra, gần 100.000 người lao động đang phải thuê trọ trong các khu dân cư.
Thực tế, công nhân thường dành khoảng 2/3 tổng số thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân, nuôi con nhỏ. Do vậy, bà kiến nghị Chính phủ khi duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế…
Đồng thời, cơ quan chức năng nghiên cứu giảm giờ làm từ 48 tiếng/tuần xuống 44 hoặc 40 tiếng/tuần. Lãnh đạo công đoàn Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ có chế tài đủ mạnh để răn đe doanh nghiệp vi phạm quy định chi trả chế độ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, chỉ đạo các bộ ngành sớm có hướng dẫn quy trình giải quyết khi doanh nghiệp dừng hoạt động khi chủ nước ngoài bỏ trốn.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về tìm đơn hàng
Bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương - cho biết Bình Dương có 27 khu công nghiệp, tỉ lệ lấp kín 88% với khoảng 500.000 công nhân/1,6 triệu lao động toàn tỉnh. Vừa qua, có 250.000 người bị ảnh hưởng (1/10 bị mất việc, nhất là ngành gỗ, da giày, dệt may). Dự kiến, nhiều doanh nghiệp "cầm cự" tối đa đến trung tuần tháng 4-2023.
Đến ngày 1-2, số doanh nghiệp trở lại sản xuất đạt 80% và 90% công nhân trong các khu công nghiệp đã quay lại nhà máy. Tuy vậy, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp ngành gỗ có đơn hàng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương kiến nghị Chính phủ giảm đóng thuế cho doanh nghiệp, từ đó gián tiếp hỗ trợ lương cho người lao động; xem xét thời gian lao động của công nhân, tránh tăng ca quá nhiều; nâng cao lương tối thiểu vùng…
Trong khi đó, chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Phạm Quang Thanh cho hay tài chính công đoàn đang được quản lý như ngân sách nhà nước. Kinh phí công đoàn từ chính đóng góp của người lao động và lý thuyết quay trở lại phục vụ người lao động, nếu quản lý chặt chẽ quá thì kéo dài thời gian thực hiện các giải pháp chăm lo đoàn viên, lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận