Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nhiệm vụ tập trung là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực
Chú trọng ba đột phá chiến lược gồm: Thể chế, gồm thể chế liên quan đến chuyển đổi số; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gồm nhân lực phục vụ chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng, có hạ tầng số.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách trong các lĩnh vực như dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới, thanh toán không dùng tiền mặt.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện các mục tiêu.
Đặc biệt là việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp.
Càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chủ đề của năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững".
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia, với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể.
Báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số Việt Nam năm 2024 chỉ ra tỉ trọng kinh tế số hiện nay chiếm 16,5%, trong đó tỉ trọng kinh tế số lõi ICT chiếm hơn 60%.
Tập trung số hóa ngành, lĩnh vực có lợi thế
Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2023 ước đạt khoảng 138,5 tỉ USD, giảm 4,46% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2023 ước đạt khoảng 127 tỉ USD, giảm 5% so với năm 2022, giá trị xuất siêu phần cứng, điện tử năm 2023 vẫn đạt trên 30 tỉ USD.
Có khoảng 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động; cùng với 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỉ USD, tăng 4% so với năm 2022.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022, Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Chỉ số này được tổng hợp từ 39 tiêu chí trong ba nhóm cơ bản: chính sách của Chính phủ; lĩnh vực công nghệ và hạ tầng dữ liệu.
Với tỉ trọng kinh tế số ngành, lĩnh vực mới chỉ chiếm khoảng 40%, trong khi kinh tế số ngành, lĩnh vực của Trung Quốc năm 2021 là khoảng 80%. Vì vậy, hướng đột phá chính để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam thời gian tới là số hóa các ngành, lĩnh vực.
Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm chiếm 10%; đến năm 2030 chiếm 20%.
Việt Nam cần lựa chọn, tập trung phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhiều không gian phát triển kinh tế số như: nông nghiệp; thương mại điện tử và logistics; sản xuất công nghiệp; văn hóa và du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận