Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc chiều 1-5 - Ảnh: Hữu Khá |
Sau bốn giờ làm việc căng thẳng, chiều 1-5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận một số giải pháp hỗ trợ ngư dân, đồng thời yêu cầu sớm điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường và xử lý nghiêm nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào vi phạm.
Dự cuộc làm việc còn có hai phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam cùng một số bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh.
Thuê tư vấn nước ngoài tìm nguyên nhân
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc hải sản ven bờ chết bất thường tại bốn tỉnh miền Trung là sự cố môi trường có tính chất phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta nên bộ ngành và các địa phương còn lúng túng khi phối hợp xử lý.
Việc xác định nguyên nhân với căn cứ khoa học còn chậm, chưa có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Theo ông Dũng, công tác khắc phục và ổn định đời sống nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu làm cho người dân bức xúc, có nơi hoang mang, thêm vào đó có nhiều phần tử xấu kích động nên việc xử lý cần khẩn trương và có các giải pháp toàn diện, tổng thể.
“Đối với việc xác định nguyên nhân, cần chỉ đạo Bộ Khoa học - công nghệ khẩn trương chủ trì phối hợp với các bộ ngành, huy động các nhà khoa học trong nước sớm tìm ra nguyên nhân. Khẩn trương thuê tư vấn nước ngoài tìm nguyên nhân, có kết luận độc lập khách quan.
Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào” - ông Dũng đề nghị.
Ông Hoàng Đăng Quang, bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho rằng các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, có kết luận một cách chính xác, khách quan nhất trả lời cho dân biết để “sớm ổn định tình hình”.
“Người dân đang chờ câu trả lời, nếu chúng ta công bố nước biển an toàn, cá tôm đánh về có nơi tiêu thụ là ngư dân sẽ ra khơi trở lại ngay lập tức. Thật tình là hiện nay tôi thấy ngư dân không muốn nhận gạo hỗ trợ mà muốn ra khơi làm ăn” - ông Quang nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết đến nay có thể khẳng định các nguồn thải ở khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) được kiểm soát hoàn toàn. Bộ sẽ tiếp tục quan trắc cho đến khi đoàn kiểm tra liên ngành và cơ quan tư vấn độc lập xác định được vi phạm thì khi đó sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Phản ứng còn chậm
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ven biển.
“Đến nay tuy còn một số mặt bất cập nhưng chúng ta đã có sự chỉ đạo toàn diện, nhiều mặt, liên tục cho nên vấn đề an ninh trật tự xã hội cơ bản giữ được. Biển chúng ta giờ phút này an toàn hơn, các loại hải sản tuyệt đối an toàn” - Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cho rằng với ý thức, trách nhiệm trước nhân dân chúng ta cũng thấy rằng có nhiều địa phương phản ứng còn chậm.
“Các đồng chí không phải chờ cấp trên mà đây là trách nhiệm của địa phương. Một số địa phương còn chậm trong việc đề xuất phương án xử lý vụ việc. Do nhiều nguyên nhân nên một số bộ ngành còn chậm chưa công bố kịp thời để nhân dân được biết về vụ việc này.
Nguyên nhân rất quan trọng nhưng đây là vấn đề rất lớn, rất mới, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, môi trường kinh doanh và môi trường xã hội, an ninh, an toàn nhân dân và đất nước” - Thủ tướng lưu ý.
Đề cập đến Bộ Tài nguyên - môi trường, Thủ tướng cho rằng công tác quản lý về môi trường còn nhiều bất cập trên cả hệ thống làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì cùng các ngành chức năng, kể cả việc huy động các nhà khoa học nước ngoài, sớm kết luận nguyên nhân, thủ phạm chính, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tinh thần là khách quan trung thực, thận trọng nhưng cố gắng kịp thời, nhanh nhất có thể để yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Nhưng cần phải nghiêm minh, khách quan, độc lập trong đánh giá.
Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục điều tra vụ việc vi phạm môi trường của vùng ven biển miền Trung, sớm kết luận khách quan, đảm bảo cơ sở khoa học.
Thủ tướng lưu ý các địa phương phải tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất ven biển, không để tình trạng xả thải ra biển, vi phạm quy định môi trường, các tiêu chuẩn môi trường. “Chúng ta rà soát tất cả các cơ sở, kể cả cơ sở Formosa, không loại trừ ai” - Thủ tướng nói.
20 hải lý trở ra là an toàn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định hiện nay ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt cá cách bờ từ 20 hải lý. Ông Phát nói: “Qua kết quả kiểm tra cho thấy từ vị trí 20 hải lý trở ra thì chất lượng hải sản hoàn toàn đảm bảo. Còn để chứng nhận hải sản an toàn khi ngư dân đánh bắt về, bộ sẽ chỉ đạo cho các ngành chức năng triển khai kiểm định chất lượng ngay tại các cảng cá”. |
Cấp gạo dự trữ cho người dân bị ảnh hưởng Kết quả quan trắc nước biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Huế đều trong giới hạn cho phép Ngày 1-5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch - đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách cho các địa phương, cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng tình trạng cá chết bất thường. * Trong một diễn biến khác, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) vừa công bố kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khẳng định đều nằm trong giới hạn cho phép. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận