16/03/2017 09:17 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lúa gạo VN trước giờ G đổi mới

C.QUỐC - S.LÂM - K.NAM - , BỬU ĐẤU
C.QUỐC - S.LÂM - K.NAM - , BỬU ĐẤU

TTO - Phải sửa đổi thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết để áp dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại hội nghị - Ảnh: THANH TRUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại hội nghị - Ảnh: THANH TRUNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi chủ trì hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại An Giang ngày 15-3.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: “Hội nghị này bàn chuyện làm ăn trong môi trường cạnh tranh gay gắt, chứ không phải hội nghị vỗ tay”.

Hạn điền: xem xét sửa đổi Hiến pháp

Theo gợi ý của Thủ tướng là “nói thẳng nói thật vướng mắc hiện nay là gì?”, bà Bùi Thị Thanh Tâm - tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) - đề nghị Chính phủ cần sớm thực hiện chính sách mở rộng hạn điền, bởi nếu không có chính sách này thì việc thực hiện “cánh đồng lớn” sẽ rất khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Chí - thứ trưởng Bộ Tài chính - cũng chia sẻ hạn điền hiện nay là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp. Ông Chí cho rằng từng nông dân cá thể không thể làm ăn lớn được, mà cần có mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Vấn đề còn lại là phải làm sao cho các mô hình này hoạt động hiệu quả.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rất cụ thể. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên - môi trường sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Hiến pháp. Trước khi Hiến pháp được sửa đổi, cần có chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền.

“Theo tôi, Việt Nam chúng ta mười mấy triệu hộ với 47 - 48 triệu mảnh ruộng nhỏ thì khó có thể gọi là sản xuất lớn. Trước hết, để mở rộng hạn điền nên bồi thường thỏa đáng cho dân khi thu hồi đất, trên cơ sở khuyến khích mạnh mẽ các “cánh đồng lớn”.

Thứ hai là khuyến khích đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp, cần mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước phải nới rộng khả năng tín dụng, tăng hạn mức cho vay, rà soát một số quy định để hỗ trợ doanh nghiệp” - Thủ tướng yêu cầu.

“Xâm thực lúa gạo mới đáng sợ”

Tại hội nghị, vấn đề thương hiệu lúa gạo và tình trạng “xâm thực” lúa gạo của một số nước vào nước ta cũng được đưa ra bàn thảo.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới nhiều năm mà nay chưa có thương hiệu? Tại sao xuất khẩu gạo của Việt Nam không bền vững?”.

Bà Tâm còn chỉ rõ nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, khó ứng dụng mô hình cơ giới hóa, chi phí sản xuất cao, lực lượng sản xuất cơ bản thiếu đào tạo, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu...

Chỉ các thương hiệu lúa gạo đang được trưng bày tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi: “Tại sao Campuchia đi sau ta 15 năm mà có thương hiệu mạnh đi thị trường châu Âu, còn ta đi quanh quẩn đây như thị trường Philippines?”.

Theo Thủ tướng, để làm được vấn đề thương hiệu thì phải chú trọng khoa học - công nghệ, trước hết là khâu giống.

Thủ tướng cũng lưu ý bên cạnh việc tập trung cho xuất khẩu còn phải chú ý hơn nữa thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đừng để tình trạng “xâm thực” khi gạo Thái, Đài Loan nằm đầy kệ các siêu thị.

Thủ tướng ví von: “Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL, nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”.

Cần một tầm nhìn mới

Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ: lúa gạo vẫn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh nông nghiệp.

Nếu chúng ta sản xuất lớn, áp dụng công nghệ và quản lý phù hợp kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế ngành lúa còn tăng nhiều lần.

Từ phân tích này, Thủ tướng cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất.

Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo.

Thủ tướng còn cho rằng Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới, mà chúng ta phải phấn đấu trong 10-20 năm tới hạt gạo do nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất, dựa trên việc đáp ứng tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng cũng như dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới.

Với tầm nhìn này, Thủ tướng đề nghị đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, cả mô hình phát triển.

“Hiệp hội là cái gì mà to hơn cả Nhà nước?”

Sau khi nghe ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), bức xúc phản ảnh các đơn vị kinh doanh được cấp giấy phép xuất khẩu gạo rồi mà còn phải chờ... con dấu của Hiệp hội Lương thực (VFA) mới được xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức cho rằng: “Hiệp hội làm vậy không đúng đâu, hiệp hội là cái gì mà hơn cả Nhà nước?”.

Tiếp đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có liên quan phải tiếp thu, sớm sửa đổi, bổ sung một số chính sách, trong đó có sửa đổi nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo nội dung sửa đổi là không đưa ra nhiều quy định phức tạp trong hoạt động xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không trao cho VFA nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối quota...

C.QUỐC

Ông Nguyễn Hữu Chí - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Hữu Chí - Ảnh: CHÍ QUỐC

 

500 tỉ đồng/năm chỉ để nghiên cứu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết hằng năm, Bộ Tài chính đều cân đối cho chương trình khoa học - công nghệ của Bộ NN&PTNT gần 500 tỉ đồng để các viện, trường thuộc bộ nghiên cứu, cho ra sản phẩm, giống tốt.

Nhìn về ông Cao Đức Phát (phó trưởng Ban Kinh tế trung ương) đang ngồi dưới hàng ghế đại biểu, ông Chí nói: “Lúc anh Phát còn là bộ trưởng, hằng năm kinh phí gần 500 tỉ đồng để thực hiện đề tài nghiên cứu giống, nhưng giống ra thế nào, có phù hợp không, làm thành thương hiệu quốc gia thế nào thì rất khó khăn”.

Đất nhiều thì nông dân mới có thể làm ăn lớn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng việc đề xuất mở rộng hạn điền được An Giang và một số tỉnh kiến nghị từ lâu.

Hiện nhiều người ở An Giang có đất rất nhiều, nhưng phải để dòng họ hoặc bà con đứng tên là vấn đề rất nguy hiểm nếu xảy ra tranh chấp pháp lý.

 “Người ta làm bao nhiêu thì nên chứng nhận đất cho người ta bấy nhiêu. Đất nhiều thì nông dân mới có thể làm ăn lớn, dễ dàng hơn trong thời buổi kinh tế thị trường. Tuy nhiên, muốn mở rộng hạn điền thì hành lang pháp lý chúng ta cần phải ràng buộc nhiều hơn nữa” - ông Nhị khẳng định.

B.ĐẤU

Chưa có chương trình sửa Luật đất đai

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 15-3, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết để mở rộng hạn điền thì phải sửa quy định của Luật đất đai năm 2013 và một số văn bản khác.

“Theo tôi được biết, trong tờ trình về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới nhất mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai.

Hiện Ban Bí thư đang chỉ đạo sơ kết việc thực hiện nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau khi có kết luận về vấn đề này, có lẽ Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung luật” - ông Sơn cho biết.

Theo các quy định hiện hành, việc sửa đổi, bổ sung một đạo luật thông thường phải qua hai kỳ họp Quốc hội (trong vòng một năm). Trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể xem xét thông qua một đạo luật theo thủ tục rút gọn (một kỳ họp). 

Như vậy nếu trong quý 3-2017 Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai và được Quốc hội chấp thuận đưa vào chương trình, nhanh nhất cũng phải đến giữa năm 2018 Quốc hội mới xem xét đạo luật này.

Điều đó có nghĩa chính sách về hạn điền khó có thể được thay đổi trước thời điểm giữa năm 2018.

LÊ KIÊN

C.QUỐC - S.LÂM - K.NAM - , BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên