25/07/2020 12:18 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để các Mẹ Việt Nam anh hùng cô đơn, thiếu thốn

HÀ THANH - ĐỨC BÌNH
HÀ THANH - ĐỨC BÌNH

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau hi sinh thầm lặng của những người mẹ nơi hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để các Mẹ Việt Nam anh hùng cô đơn, thiếu thốn - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các ban ngành tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: VŨ TOÀN

Chương trình truyền hình trực tiếp gặp mặt 300 bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 đại diện cho gần 5.000 mẹ Việt Nam anh hùng diễn ra sáng 25-7 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Gia đình 3 mẹ anh hùng

Tuổi cao sức yếu, các mẹ chẳng thể lên tận sân khấu như những cuộc gặp mặt thông thường. Ở dưới ghế khán giả, những ký ức ngày trước hiện về dù mấy mươi năm đã trôi qua.

Mẹ Lê Thị Bê (83 tuổi, ở Long An) có chồng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ vừa một mình nuôi con vừa nuôi giấu cán bộ, từng bị địch bắt tra tấn dã man và bị đày ra Côn Đảo năm 1974. Điều đặc biệt, cả mẹ đẻ và mẹ chồng của mẹ Bê cũng là mẹ Việt Nam anh hùng. Một gia đình có đến 3 mẹ Việt Nam anh hùng!

Mẹ Bê bị đày đi đảo, buổi sáng địch bắt đi chào cờ, tố cộng nhưng mẹ kiên quyết không đi, kêu mẹ đi tòa án để "về sớm" nhưng mẹ kiên quyết: "Tui nói ở bao lâu là ở, ra tới đây rồi là tui hổng cần về nữa".

Trong tù, mẹ vẫn đấu tranh và còn vận động thêm chị em khác, cuối cùng địch bỏ đói mẹ... Nhưng mẹ vẫn sống, vẫn vận động chị em. Ngày gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ Bê cười mãn nguyện: "Sức mẹ yếu, bị cao huyết áp, bị tim nhưng lên đến đây mẹ vẫn ráng đi".

Mẹ Lê Thị Chi (91 tuổi, ở Đà Nẵng) có chồng và con trai đầu hi sinh trong chiến tranh. Sống không khá giả gì, nhưng trong đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, mẹ đã đem toàn bộ số tiền dành dụm được trong "hai lần tết" 5 triệu đồng ủng hộ phòng chống dịch.

"Đảng, Nhà nước cho mẹ ra đây mẹ mừng lắm. Đây là lần đầu tiên mẹ ra, mẹ mừng lắm, khỏe lắm", mẹ Chi cố gắng nói rành rọt từng chữ dù đôi tai đã nghễnh ngãng không rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để các Mẹ Việt Nam anh hùng cô đơn, thiếu thốn - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng tại buổi gặp mặt - Ảnh: VŨ TOÀN

Không để các mẹ cô đơn, thiếu thốn

Bày tỏ sự cảm động, vui mừng được gặp 300 mẹ Việt Nam anh hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động vì các mẹ dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng không quản đường sá xa xôi về Hà Nội tham dự hoạt động ý nghĩa.

Ngoài vào lăng viếng Bác, Thủ tướng đề nghị tổ chức cho các mẹ tham quan thủ đô Hà Nội để chứng kiến sự đổi thay của đất nước, kiểm tra sức khỏe toàn diện của các mẹ để đảm bảo khi trở về địa phương, các mẹ đều vui, khỏe mạnh và có quà cho con cháu.

"Chiến tranh đã đi qua, đất nước hòa bình, thống nhất nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà cha mẹ, người chồng người vợ, những người con đã mãi mãi không gặp lại những người thân yêu nhất của mình.

Sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau hi sinh thầm lặng của những người mẹ nơi hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Con đi trăm núi ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/ Con đi đánh giặc mười năm/ Chưa bằng khó nhọc đời bầm 60", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết việc chăm lo, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành chính sách lớn của Đảng, Nhà nước suốt 73 năm qua. Đời sống người có công ngày càng được cải thiện với 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ hiện nay nhiều thương bệnh binh vẫn bị vết thương giày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, còn trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, nhiều gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các cấp các ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, mở rộng, thúc đẩy hợp tác quốc tế để trao đổi, cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giám định ADN; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Chăm sóc người có công là việc thường xuyên, lâu dài

me viet nam anh hung (3)

Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Ảnh: VŨ TOÀN

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung một lần nữa khẳng định buổi gặp mặt là dịp để nhắc nhở thế hệ sau rằng công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

Đến nay, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng gần 140.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam có số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng nhiều nhất: 15.261 mẹ, Bến Tre: 6.905 mẹ, Quảng Ngãi: 6.802 mẹ, Hà Nội: 6.723 mẹ).

Hiện cả nước còn gần 5.000 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.

Mẹ Việt Nam anh hùng 91 tuổi ủng hộ 5 triệu đồng dành dụm chống dịch Mẹ Việt Nam anh hùng 91 tuổi ủng hộ 5 triệu đồng dành dụm chống dịch

TTO - Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi), trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng, đã dành số tiền 5 triệu đồng dành dụm được đóng góp phòng chống dịch COVID-19.

HÀ THANH - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên