30/10/2020 10:11 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ tiền cho người dân sửa nhà sập đổ, hư hỏng nặng

Chinhphu.vn
Chinhphu.vn

TTO - Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 sáng nay 30-10, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ và chia sẻ những mất mát, đau thương, hi sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ tiền cho người dân sửa nhà sập đổ, hư hỏng nặng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10-2020 - Ảnh: Chinhphu.vn

Sáng 30-10, mở đầu phiên họp thường kỳ tháng 10-2020, Thủ tướng bày tỏ "để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái của nhân dân hai miền Nam - Bắc đối với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mát của nhân dân miền Trung".

Một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ hi sinh

Tại phiên họp phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ và chia sẻ những mất mát, đau thương, hi sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tháng 10 là tháng xảy ra bão lũ liên tục, "lũ chồng lũ, bão chồng bão" gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Đến nay, đã có 230 người mất, hi sinh, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội và công an trong khi làm nhiệm vụ. Vẫn còn nhiều đồng bào gặp nạn ở biển khơi, bị núi lở vùi lấp ở miền núi xa xôi chưa tìm thấy.

Thủ tướng đánh giá cao các lực lượng chức năng, quân đội, công an đã tham gia các đợt cứu hộ, cứu nạn, "quân đội hiện nay đang ở khu vực núi cao nhất ở Quảng Nam và ở Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế để tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn những người dân bị vùi lấp trong đất đá". 

"Chính phủ chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào ta ở miền Trung, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hi sinh", Thủ tướng nói. 

Chúng ta đã có nhiều biện pháp cứu hộ, cứu nạn quyết liệt; ra các chỉ thị kịp thời để sơ tán 1,3 triệu dân đến nơi an toàn. Đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban, không chỉ đóng ở Đà Nẵng khi bão chưa đến mà còn di chuyển vào Tam Kỳ, Quảng Nam và một bộ phận trực tiếp vào Quảng Ngãi.

Cũng trong bão lũ, càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí. Cả nước đã hướng về miền Trung, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, Thủ tướng bày tỏ. "Chúng ta thấy ý chí, quyết tâm vượt khó của đồng bào, chiến sĩ".

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu tập trung thảo luận về tình hình bão lũ, đưa ra một số biện pháp cần thiết. "Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ các tỉnh gặp khó khăn" với những nguồn lực cho phép; yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức các lực lượng hỗ trợ cần thiết, phát động trong toàn ngành những biện pháp đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường như bảo đảm giao thông, dựng lại nhà cửa, đưa học sinh trở lại trường học...

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an các địa phương Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm những người mất tích, bị đất đá chôn vùi, ngư dân bị mất liên lạc.

Tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão lũ, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, "đưa con em sớm đến trường, trường lớp sạch sẽ, các em có đủ sách vở học tập".

Hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ

Sau bão lũ, không để dịch bệnh có thể xảy ra, đặc biệt là dịch tả, cúm mùa. Cả nước, đặc biệt các vùng bị thay đổi lớn về sinh hoạt, cần đề phòng COVID-19 quay trở lại.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai sớm tổng hợp, đề xuất Chính phủ những khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với các địa phương bị thiệt hại nặng nề, như hỗ trợ về sản xuất, an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân, đây là điều quan trọng nhất; hỗ trợ giống rau, giống lúa, lương thực, không để người dân nào bị thiếu đói, đặc biệt là chuẩn bị vật tư, vật liệu để giá cả, từ tôn đến ngói, xi măng, không bị đẩy lên.

Thủ tướng nhất trí việc hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng, "với số lượng không quá 150.000 nhà bị tốc mái các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thì chúng ta đề xuất mức hỗ trợ như thế nào?". Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ NN&PTNT để hỗ trợ cho các địa phương kịp thời.

Ngành ngân hàng thực hiện việc giảm, giãn, hoãn, xóa những khoản theo quy định của pháp luật đối với vùng bị thiệt hại bởi thiên tai. Bộ Công Thương bảo đảm về giá cả, cung cấp điện cho người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh việc hỗ trợ để sản xuất của người dân trở lại bình thường là cái gốc để nhân dân có thu nhập sau bão lũ. 

"Để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái của nhân dân hai miền Nam - Bắc đối với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mất của nhân dân miền Trung", Thủ tướng nói, để làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng ở mức 2-3%, giải quyết nhiều việc làm, thu hút đầu tư phát triển…

Tìm cách tiếp cận nơi sạt lở Phước Sơn: Nếu thời tiết tốt sẽ dùng trực thăng Tìm cách tiếp cận nơi sạt lở Phước Sơn: Nếu thời tiết tốt sẽ dùng trực thăng

TTO - Hiện nay, đường DH1 đi từ hướng xã Phước Thành tới Phước Lộc đã thông tuyến tới cầu Xà Oai. Tuy nhiên, từ cầu Xà Oai đi vào Phước Lộc còn khoảng 50km có rất nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng.

Chinhphu.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên