Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 13-5 bàn các nội dung quan trọng cho phát triển của thành phố - Ảnh: VGP
Trong đó, một đề xuất được người dân TP.HCM quan tâm là đề án "Điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025", Thủ tướng cơ bản đồng ý về chủ trương, nhằm tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực phát triển nhanh, bền vững.
Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, tập trung đầu tư hạ tầng
Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cần theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể, gắn với việc thành phố cần tăng cường tự chủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng thời, TP.HCM có trách nhiệm sử dụng nguồn thu được để lại tăng thêm để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố đánh giá tình hình thực hiện thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nêu rõ các kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và thực hiện các giải pháp để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đề án tái cơ cấu, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện các tiêu chí phân loại làm cơ sở cho TP.HCM xây dựng kế hoạch sắp xếp lại. Trong đó cần bổ sung quy định về việc chưa cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có lãi, quản trị tốt, ngành nghề đặc thù, thương hiệu mạnh của Việt Nam, có vai trò quan trọng với an ninh quốc phòng, an sinh, điều hành kinh tế vĩ mô. Có công cụ kiểm tra, giám sát, rõ trách nhiệm và phân cấp mạnh, xác định rõ thẩm quyền.
Liên quan đến việc cổ phần hóa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn theo đề nghị của TP.HCM, Thủ tướng đồng ý chủ trương và yêu cầu thành phố căn cứ vào thực tế, các quy định của pháp luật để quyết định theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng.
Với việc bố trí vốn ODA cho vay lại, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan căn cứ số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, mức bội chi hằng năm để báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung. Đối với việc điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, Thủ tướng yêu cầu phải trên cơ sở khả năng thu thực tế, không làm tăng mức bội chi ngân sách của địa phương.
Đối với đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức, Thủ tướng thống nhất chủ trương và yêu cầu nghiên cứu xác định cụ thể cơ chế, chính sách đặc thù. Hướng triển khai là tăng thẩm quyền phân cấp, phân quyền, thẩm quyền giám sát, kiểm tra, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, linh hoạt.
Các dự án giao thông quan trọng làm theo hình thức PPP
Thông báo kết luận cũng nêu ý kiến của Thủ tướng với nhiều dự án giao thông quan trọng. Trong đó, với dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam, Thủ tướng giao TP.HCM lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp, không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Với dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Thủ tướng đề nghị căn cứ tỉ lệ điều tiết được Quốc hội giao, thành phố chủ động cân đối vốn cho dự án từ nguồn ngân sách. Bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, thực hiện theo phương thức hợp tác công tư, nghiên cứu khai thác quỹ đất phát triển đô thị và các khu dịch vụ, công nghiệp phù hợp, hiệu quả.
Hay với dự án khép kín đường Vành đai 3, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với TP.HCM và các địa phương điều chỉnh phạm vi các dự án thành phần để giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP. Nguyên tắc, địa phương tự cân đối toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, trung ương chỉ hỗ trợ một phần chi phí vốn tham gia cho công tác xây lắp.
Với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên (khoảng 1.599 tỉ đồng) của dự án thành phần 1A, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM có trách nhiệm tự cân đối kết hợp đầu tư xây dựng các đường cao tốc, các trục giao thông gắn với quy hoạch chính trong đô thị, khai thác quỹ đất phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, sản xuất kinh doanh hai bên đường theo đúng quy định. Dự án thành phần 1B cũng được giao cho địa phương thực hiện theo cơ chế chung toàn tuyến.
Với dự án Vành đai 4, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp địa phương xác định các dự án thành phần qua từng địa phương để giao cho các địa phương triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP. Trên cơ sở đó địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án trên địa bàn, với nguyên tắc tương tự như tuyến đường Vành đai 3.
Giao xây dựng quy hoạch đô thị cho địa phương, có phương án về nhà ở
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị cho địa phương thực hiện, phê duyệt. Bộ Xây dựng được giao sửa đổi, bổ sung Luật quy hoạch đô thị theo hướng phân cấp mạnh việc điều chỉnh cục bộ cho địa phương.
Trong quá trình chờ sửa đổi các quy định, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và TP.HCM khẩn trương tổ chức thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo kiến nghị của thành phố, sau đó cập nhật vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.
Với đề xuất chuyển mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và TP.HCM xem xét, hướng dẫn giải quyết từng trường hợp cụ thể trên nguyên tắc, đảm bảo đủ nhà ở tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện dự án. Trường hợp không có nhu cầu thì xem xét chuyển sang nhà ở xã hội, thực hiện đấu giá khi điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở thương mại theo đúng quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận