05/07/2019 09:34 GMT+7

Thủ tướng: Ngăn chặn việc mượn xuất xứ Việt Nam

B.NGỌC - L.THANH
B.NGỌC - L.THANH

TTO - Ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài nhái hàng Việt, tháo các điểm nghẽn hạ tầng, tăng phân cấp đầu tư cho địa phương... là những nội dung được các địa phương kiến nghị Chính phủ tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4-7.

Thủ tướng: Ngăn chặn việc mượn xuất xứ Việt Nam - Ảnh 1.

Việc thép cán nguội Việt Nam vừa bị Mỹ đánh thuế chống lẩn tránh thuế đặt ra vấn đề nghiêm túc trong ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài nhái hàng Việt. Trong ảnh: sử dụng thép cán nguội tại một nhà máy sản xuất thép - Ảnh: T.V.N.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả 6 tháng đầu năm đạt được rất quan trọng. Cần tập trung tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại như Luật quy hoạch, nghị định về hình thức đầu tư BT (xây dựng, chuyển giao), tình trạng giải ngân rất chậm, cả đầu tư công và ODA...

Thêm 2 thành phố muốn mở rộng sân bay

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành giao cho TP được chuyển đổi trên 10ha lúa sang làm đất công nghiệp không cần xin ý kiến Thủ tướng. Bên cạnh đó, ông Tùng cũng xin được sớm xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Cát Bi. Hiện Bộ GTVT đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhưng thủ tục triển khai, quá trình trình phê duyệt rất chậm.

Cùng xin mở rộng sân bay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu hiện sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ có công suất 8 triệu lượt khách/năm nhưng thực tế khai thác gấp đôi. Đến nay tiến độ triển khai vẫn rất chậm dù TP đã chủ động ứng trước tiền làm quy hoạch mở rộng.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết cách làm của Đà Nẵng sẽ nhanh chóng. Thủ tướng vừa có quyết định điều chỉnh quy hoạch sân bay đến năm 2030. Khó khăn lớn nhất của ngành giao thông hiện nay là chưa có kinh phí lập quy hoạch. Do đó, các tỉnh linh động tạm ứng làm quy hoạch sân bay, sau đó Bộ GTVT sẽ trả lại.

Đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ để hưởng lợi thế từ các FTA. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đang có sức hút rất mạnh với nhà đầu tư trên thế giới, ví dụ trong 6 tháng có quốc gia đầu tư vào Việt Nam tăng 400% với cùng kỳ năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có giải pháp kiểm soát và ngăn chặn tình trạng mượn xuất xứ Việt Nam như vụ Công ty điện tử Asanzo. Những hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác nhằm hưởng ưu đãi thuế quan rất dễ bị trừng phạt thương mại.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói bộ này đã có đề án cụ thể phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá kỹ sản phẩm nhập khẩu về để phục vụ mục tiêu tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu. Các cơ quan chức năng sẽ làm việc với đối tác để hướng dẫn cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp, để tránh là đối tượng áp thuế thương mại, trừng phạt thương mại. Thứ ba là vấn đề tạm nhập tái xuất cần chấn chỉnh...

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt C/O chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt tại các thị trường có nguy cơ bị trừng phạt thương mại để ngăn chặn các nhà đầu tư chui, núp bóng.

Người đứng đầu ngành công thương lưu ý cần rà soát để đánh giá thực chất hoạt động đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững các ngành hàng, tránh việc núp bóng hàng Việt để hưởng lợi thông qua chuyển tải hàng hóa sang nước thứ 3.

"Xử lý nghiêm hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt"

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều kiến nghị của địa phương rất xác đáng. Do đó, ngay sau cuộc họp này, các bộ trưởng xem xét để có giải pháp xử lý giải quyết theo thẩm quyền.

Trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt gần 28%, vốn ODA đạt rất thấp so với kế hoạch. Do đó, tất cả bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ phải kiểm điểm ngay và cần lập tổ công tác giải quyết vấn đề này. "Tinh thần là sẽ điều chuyển vốn từ những bộ, ngành địa phương làm chậm cho các địa phương, bộ ngành khác" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tránh gian lận xuất xứ. Xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh...

Ông LÊ TIẾN CHÂU (chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang):

Quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giúp cho địa phương nhận định ra vấn đề, kịp thời khắc phục. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán quá nhiều đoàn, nội dung trùng lặp cũng khiến địa phương mất rất nhiều sức. Trong năm 2018, tỉnh Hậu Giang tiếp 11 đoàn thanh tra, kiểm toán, vì vậy cần có sự phối hợp các bộ, ngành để giảm bớt số đoàn.

Thủ tướng ký đề án chống gian lận xuất xứ

Thủ tướng cho biết ông vừa ký đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bộ Công thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia... cần vào cuộc kiên quyết xử lý những vi phạm. Thủ tướng nhấn mạnh không thể biến Việt Nam thành nơi không phải hàng Việt Nam mà dán nhãn thành hàng Việt Nam và phải có giải pháp ngăn chặn xử lý nghiêm tình trạng đội lốt, giả nhãn mác hàng hóa của Việt Nam.

B.NGỌC - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên