Thu nhập bình quân người lao động Việt Nam khá thấp so với mặt bằng chung
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia thể hiện qua trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Hiện nay, mức thu nhập bình quân người lao động Việt Nam khá thấp so với mặt bằng chung trong khu vực Đông Nam Á và châu Á do bị đánh giá trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết có định hướng gì về chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đề ra bộ tiêu chuẩn để đánh giá nguồn nhân lực lao động chất lượng cao.
Từ đó, làm cơ sở cho bản thân người lao động và cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có phương án học tập, đào tạo, tuyển dụng phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được mức lương tương xứng.
Trả lời nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và nhiều nhiệm kỳ vừa qua đã xác định phát triển nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Kết quả phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đúng như đại biểu nhận định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cả về cơ cấu, trình độ.
Số người làm việc tại các vị trí việc làm giản đơn, không yêu cầu nhiều về trình độ chuyên môn kỹ thuật duy trì ở tỉ lệ khá cao (33,4% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế năm 2020).
Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tỉ lệ lớn; chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực ASEAN.
Thu hút, trọng dụng nhà khoa học có trình độ cao, nhà khoa học trẻ tài năng
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tăng cường, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng đào tạo cả kiến thức, kỹ năng, tác phong, ý thức, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp.
Thiết lập hệ thống đào tạo với nhiều trình độ khác nhau theo khung trình độ quốc gia Việt Nam, phục vụ các nhóm đối tượng khác nhau cùng hệ thống tư vấn, hướng nghiệp hoàn thiện được triển khai ở tất cả cấp học phổ thông đến cơ sở đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học.
Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao bao gồm đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực cho các ngành nghề kỹ năng mới, thế mạnh của Việt Nam...
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, chú trọng đào tạo cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng, nhất là kỹ năng gắn với nhu cầu thực tế và tương lai của thị trường lao động.
Đa dạng hóa các hình thức liên kết, trao đổi về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo với doanh nghiệp, giữa các tổ chức trong và ngoài nước.
Mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực.
Nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà khoa học trình độ cao phát huy tài năng phục vụ đất nước.
Cụ thể hóa nội dung thu hút, trọng dụng nhà khoa học có trình độ cao, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học trẻ tài năng trong cơ quan, đơn vị có hoạt động khoa học công nghệ.
Có giải pháp cụ thể tháo gỡ những rào cản, vướng mắc của quy định quản lý viên chức nói chung, quy định về quản lý tài chính, tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như các quy định khác của pháp luật liên quan…
Đẩy mạnh việc chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trình độ kỹ năng nghề của người lao động theo nhu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người sử dụng lao động làm cơ sở...
Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá đối với từng lĩnh vực, ngành nghề, làm căn cứ để đào tạo, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận