Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu như vậy tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chiều 9-1.
Thủ tướng cho biết ông rất trăn trở khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động, đời sống của công nhân đường sắt khó khăn mấy năm nay. Nhưng ông nhìn thấy sự thay đổi của đường sắt nên trước hội nghị đã đến ga Hà Nội hỏi chuyện người lao động và hành khách để xem có gì mới.
"Tôi hỏi một bác trung niên tầm 50-60 tuổi, một chị tầm 40 là các bác có hay đi tàu không? Họ trả lời có chứ, đi tàu bây giờ sướng lắm. Tôi hỏi thêm mua vé có dễ hơn. Họ trả lời dễ lắm, ở nhà cũng mua được vé qua mạng. Lên tàu sạch sẽ, chạy đúng giờ, dịch vụ trên tàu thoải mái.
Nghe các đồng chí báo cáo nhưng cũng phải đi tận nơi nghe người làm, nghe hành khách đánh giá. Đối tượng khảo sát tuy ít nhưng tôi cho là trả lời thật vì họ cũng chẳng chuẩn bị gì trước khi tôi hỏi. Số lượng khảo sát chưa nhiều nhưng cho thấy sự tiến bộ của ngành, sự vui mừng của hành khách" - Thủ tướng nhận định về cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên mà hành khách trả lời rất thật.
Tại hội nghị, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều tiến bộ trong năm 2023. Ông nói đường sắt vẫn từng ấy tài sản, con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng hiệu quả, chất lượng đã có thay đổi.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở khi tài sản đường sắt lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả; hạ tầng, đầu máy, toa xe hiện có chưa đáp ứng nâng cao tốc độ chạy tàu. "Còn trăn trở khi hơn 3.000km chưa được nâng cấp, Pháp xây thế nào ta sử dụng vậy. Trong khi Trung Quốc có hơn 40.000km đường sắt cao tốc.
Vừa qua Bộ Chính trị đã cho chủ trương và Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao. Trăn trở, lo lắng về đường sắt thì phải biến thành hành động, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tính toán xin các cấp thẩm quyền phê duyệt rồi nghiên cứu đầu tư, tìm nguồn vốn để làm. Chúng ta không thể nào bó tay được" - Thủ tướng nhấn mạnh.
"Nguồn lực bắt đầu từ tư duy. Trước hết phải hoàn thiện thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước, xu thế, công nghệ của thời đại. Khai thác nguồn lực sẵn có từ đường sắt, đất đai, gần 300 nhà ga đường sắt, từ 22.000 con người và cảnh quan cung đường sắt đẹp nhất thế giới. Học tập khai thác nguồn lực của các nước đi trước.
Cần sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm của các đồng chí cộng với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hỗ trợ của các bộ ngành mới làm được. Năm nay cố gắng trình, phê duyệt được dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đồng thời tập trung nghiên cứu làm các đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, TP.HCM - Cần Thơ" - Thủ tướng đặt mục tiêu.
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết cùng với sự phục hồi hành khách, đường sắt đã đưa ra nhiều sản phẩm mới được hành khách đón nhận như: đoàn tàu chất lượng cao, tổ chức đám cưới trên tàu, tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng... Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp đường sắt có lãi ở mảng kinh doanh vận tải.
Cụ thể năm 2023 ngành đường sắt vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách (bằng 135,1% cùng kỳ), vận chuyển 4,6 triệu tấn hàng (bằng 81,8% cùng kỳ).
Doanh thu toàn tổng công ty đạt hơn 8.503 tỉ đồng (đạt 101,7% kế hoạch). Trong đó doanh thu trực tiếp từ vận tải hơn 3.973 tỉ đồng (bằng 107% cùng kỳ).
Lợi nhuận sau thuế toàn tổng công ty đạt 94,8 tỉ đồng, đạt 115% kế hoạch (năm 2022 lỗ 111,9 tỉ đồng). Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2024, công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.883 tỉ đồng (năm 2023 đạt 6.247 tỉ đồng), trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỉ đồng (năm 2023 lợi nhuận 4,5 tỉ đồng), tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận