Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các chiến lược phát triển vùng phải nhắm đến cải thiện đời sống người dân vùng Tây Nguyên - Ảnh: MAI VINH
Sáng 20-11, tại Đà Lạt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra những chỉ tiêu cho vùng Tây Nguyên đến năm 2045. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD;
Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%...
Thủ tướng nhấn mạnh Tây Nguyên có đủ những yếu tố để "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các dự án đầu tư phải đi theo hướng phát triển xanh, ổn định, bền vững - Ảnh: MAI VINH
Thủ tướng cho rằng những chỉ tiêu này là cao, đòi hỏi các bộ ngành và địa phương vùng Tây Nguyên phải có chương trình hành động phù hợp. Trước tiên phải khắc phục các điểm yếu trong phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Thủ tướng chỉ ra những vấn đề nội tại mà vùng Tây Nguyên đang vướng phải: "Phát triển kinh tế chưa ổn định, bền vững. Quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất trong 6 vùng của cả nước. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch chậm. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức.
Vùng Tây Nguyên phải nhìn nhận chưa có thương hiệu quốc gia, quốc tế. Trong chiến lược phát triển tới đây phải chú trọng xây dựng. Muốn phát triển vùng phải tự lực, tự cường rồi mới tính đến sử dụng các nguồn lực bên ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Tăng trưởng nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào mở rộng quy mô. Công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô khu vực dịch vụ còn khiêm tốn, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Các địa phương trong vùng đều chưa tự cân đối được ngân sách. Huy động vốn đầu tư chưa hiệu quả, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc triển lãm ảnh "Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững" - Ảnh: M.V.
Phát triển văn hóa chưa ngang tầm với kinh tế. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một. Chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước còn bất cập. Số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp (xếp thứ 5/6 vùng).
Qua trao đổi với các bộ ngành, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định để phát triển phải chú trọng liên kết nội vùng và vùng, phải thu hút đầu tư, hợp tác để tận dụng tối đa nhiều nguồn lực phát triển.
Ưu tiên các dự án công nghệ, bảo vệ môi trường, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án có tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên nói riêng tham gia vào chuỗi giá trị (thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành xem các hình ảnh về kinh tế - xã hội Tây Nguyên - Ảnh: M.V.
Thủ tướng nêu quan điểm của Chính phủ: "Tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần 'bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ'.
Việt Nam cam kết: Giữ vững ổn định chính trị - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là về logistics, hành chính; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh và cơ chế chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận