12/12/2017 10:11 GMT+7

Thủ tướng: Mỗi đồng vốn đầu tư là một lá phiếu ủng hộ Chính phủ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng cho rằng mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà chính là "lá phiếu" ủng hộ đối với Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng: Mỗi đồng vốn đầu tư là một lá phiếu ủng hộ Chính phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp những gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm - Ảnh: N.AN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2017 do Bộ Kế hoạch -  Đầu tư và Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 12-12 tại Hà Nội.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là động lực hàng đầu đưa GDP tăng trưởng cao, tức mức 27 tỉ USD năm 1997 đến gần 220 tỉ USD năm 2017.

Thủ tướng nhắc đến con số tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Tăng trưởng kinh tế cũng góp phần đưa số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục với 120.000 doanh nghiệp, số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỉ đồng, cùng trên 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. 

Số vốn FDI đăng ký cũng đạt đến hơn 33 tỉ USD, và vốn thực hiện đạt 17,5 tỉ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà chính là "lá phiếu" ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển",

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng Chính phủ còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề gồm, đầu tư phát triển hạ tầng và khoa học, giáo dục, giữ ổn định chính trị, xã hội và cải thiện thể chế, thủ tục hành chính.

Ông bày tỏ kỳ vọng về một thế hệ doanh nhân mới vì hiện nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn là nhỏ và siêu nhỏ "nên làm sao để doanh nghiệp vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở của Chính phủ".

Thủ tướng nhấn mạnh lại thông điệp của Chính phủ: "Những gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm. Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục cải cách thể chế và không để thụt lùi về mặt chính sách".

Trong phần kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đã có những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, song chặng đường cải cách vẫn còn nhiều gian nan.

Vấn đề nổi lên là chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, cao hơn tăng năng suất lao động, kéo theo chi phí công đoàn, bảo hiểm... tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Những thủ tục cần giảm chủ yếu nằm ở các bộ, ngành, nhưng trên thực tế nhiều đơn vị còn chần chừ chưa cắt giảm, do liên quan tới lợi ích.

Ông Hirohihe Sagara, đại diện Liên mình Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF, cho rằng Việt Nam đang đối diện với thách thức mới.

Theo ông, dù Việt Nam có nhiều cải thiện liên quan tới hệ thống cơ chế chính sách, thu hút FDI, nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần giải quyết như nâng cao năng sức lao động, tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân và cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đẩy nhanh quá trình cổ phần DNNN…

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên