08/07/2017 21:14 GMT+7

Thủ tướng mang thông điệp Chính phủ kiến tạo đến G20

Q.TR.
Q.TR.

TTO - Trong ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, 8-7, các lãnh đạo nhóm G20 và khách mời thảo luận các vấn đề quan trọng và trong đó Thủ tướng Việt Nam chia sẻ về chính phủ kiến tạo.

Các nhà lãnh đạo nhóm G20 và các khách mời họp tại Trung tâm hội nghị Hamburg Messe ngày 8-7 - Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo nhóm G20 và khách mời họp tại Trung tâm hội nghị Hamburg Messe ngày 8-7 - Ảnh: Reuters

Phát biểu với các lãnh đạo thế giới tại các phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền thông điệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp năng động, đổi mới, sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh G20 thảo luận vấn đề việc làm và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng là nội dung quan trọng trong Nghị sự của APEC 2017.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông báo rằng Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao APEC về phụ nữ và kinh tế vào tháng 9-2017 để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh doanh và đóng góp phát triển kinh tế trong nền kinh tế số.

Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về tự do hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng mạng và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và thành lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại các phiên thảo luận trong ngày 8-7, các nước G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các dịch bệnh, ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cảnh báo, phòng và chống các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh xuyên biên giới.

Hội nghị cũng hoan nghênh cách tiếp cận “Một sức khỏe” và kêu gọi các nước cùng chung tay hạn chế sử dụng kháng sinh trên người, cây trồng và vật nuôi.

Các lãnh đạo cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác quản lý di cư, hỗ trợ người di cư và tị nạn tiếp cận tài chính, hoà nhập vào xã hội sở tại, tạo điều kiện cho người di cư đóng góp vào phát triển ở cả nước nhận, nước trung chuyển và nước xuất phát di cư.

Bên cạnh đó, Hội nghị ủng hộ sáng kiến “Thoả thuận hợp tác với châu Phi”, trong đó nhất trí tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các nước châu Phi để thúc đẩy phát triển kinh tế, chống đói nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến của Đức về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ (#eSkills4girls), tạo việc làm cho thanh niên để đáp ứng các yêu cầu mới về lao động, việc làm trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Hội nghị cũng ủng hộ việc thành lập Quỹ doanh nghiệp nữ (WEFi) để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nữ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, qua đó để tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế. 

Các lãnh đạo khẳng định tăng cường hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa-nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.

Q.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên