Syed Saddiq Syed Abdul Rahman trong lần tiếp xúc với người dân - Ảnh: KRA
Malaysia là một quốc gia trẻ trung. Theo số liệu của Cục Điều tra dân số, độ tuổi trung bình của Malaysia là 28. Điều này đồng nghĩa Thủ tướng Mahathir Mohamad, người bước sang tuổi 93 vào tháng 10 tới, sẽ già hơn gấp ba lần so với độ tuổi trung bình tại đất nước mà ông lãnh đạo.
"Chơi" với người trẻ
Với sự cách biệt lớn về tuổi tác như vậy, làm thế nào "cụ" Thủ tướng Mahathir có thể giữ mối liên kết với người trẻ Malaysia và làm thế nào ông Mahathir thành công khi các chính trị gia trẻ tuổi hơn trong liên minh Pakatan Harapan (PH) và các đồng nghiệp cũ tại Barisan Nasional (BN) thất bại?
Hoài niệm có thể đang đóng vai trò liên quan tới việc này. Những người Malaysia ở độ tuổi 20-30, qua một lăng kính màu hồng, vẫn nhớ đến những thành tựu trong giai đoạn hơn 20 năm cầm quyền của ông (1982-2003).
Những dự án hạ tầng như cầu Penang, đường cao tốc Bắc Nam và sân bay quốc tế Kuala Lumpur đi kèm quá trình công nghiệp hóa thần tốc của Malaysia sẽ mãi mãi gắn liền với Mahathir.
Hơn nữa, bản thân ông Mahathir chưa bao giờ ngại ngần phối hợp làm việc và thu hút chính trị gia trẻ tuổi, mà chàng trai Syed Saddiq Syed Abdul Rahman ưa nhìn, hoạt bát là một minh chứng.
Saddiq cũng chính là nhân tố chủ chốt trong "chiến lược giới trẻ" của ông Mahathir. Trong vài năm trở lại đây, chàng "tân binh" sinh ra ở Johor này luôn là người kề cận chính khách lão làng lớn tuổi hơn mình suýt soát bốn lần.
Ngày 2-7, có thêm 13 bộ trưởng trong nội các Malaysia tuyên thệ nhậm chức, nâng tổng số bộ trưởng dưới thời Thủ tướng Mahathir lên 26. Các bộ trưởng mới tuyên thệ đáng chú ý gồm có Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah, Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Syed Saddiq Syed Abdul Rahman hay Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại quốc tế Ignatius Darell.
Như vậy, nội các Malaysia cơ bản đã có những vị trí quan trọng nhất, như bà Wan Azizah Wan Ismail làm phó thủ tướng, ông Muhyiddin Yassin làm bộ trưởng Nội vụ, ông Lim Guan Eng làm bộ trưởng Tài chính, ông Mohamad Sabu làm bộ trưởng Quốc phòng... (MẠNH ĐỨC)
Bỏ du học để làm chính khách
Sinh ra trong một gia đình trung lưu, Saddiq bước ra ánh đèn sân khấu như một nhà vô địch hùng biện. Saddiq từ chối cơ hội học thạc sĩ tại ĐH Oxford để đấu tranh giành suất trong nghị viện Johor với 6.953 phiếu đa số. Nhưng vai trò của anh còn sâu sắc hơn thế.
Saddiq giúp chính khách lớn tuổi kết nối tốt hơn. Saddiq gần như luôn kế bên hoặc phía sau ông Mahathir tại các cuộc họp báo hay bài đăng trên mạng xã hội. Một cách công bằng, phải khẳng định Saddiq không chỉ là một chàng trai đẹp mã như cách anh tự nhận.
Với hơn 987.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội Instagram, tân bộ trưởng cũng vận hành các phiên hỏi đáp trực tuyến trên Facebook của lãnh đạo đối lập Mahathir trước đây, trong đó có sự đóng góp đông đảo của những người trẻ Malaysia. Ngoài ra, Saddiq cũng đem ánh sáng tới cho cộng đồng 40.000 người Johor gặp khó khăn về điều kiện làm việc. Trong một đoạn video xúc động có 841.000 lượt xem trên trang Facebook cá nhân, cha của Saddiq xuất hiện như một tấm gương hi sinh vì con cái, bao gồm chi tiết phải làm việc tới 17 giờ mỗi ngày.
Mối quan hệ giữa Saddiq và ông Mahathir cũng rất rõ ràng. Trong một đoạn video trên YouTube đầu năm nay, hai người thảo luận về lợi ích của người trẻ Malaysia khi học tiếng Anh. Có lúc Saddiq đùa bằng cách gọi ông Mahathir là "thầy giáo Mahathir", một điều ít ai dám làm.
Tuy vậy, sẽ còn quá sớm để nói Saddiq là hậu duệ hay người kế nhiệm ông Mahathir. Liệu sức hút Saddiq tạo ra lúc này có đủ hay không và liệu anh có thể trưởng thành và mưu mẹo không? Dù sao đi nữa, đây cũng là một ví dụ cho thế hệ lãnh đạo trẻ khắp Đông Nam Á và chúng ta cứ cùng chờ xem.
KARIM RASLAN (nhà bình luận chính trị Đông Nam Á)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận