(trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Ảnh: Reuters
Tôi tin bản thân Trung Quốc không muốn thấy Malaysia là một quốc gia phá sản.
Thủ tướng Malaysia MAHATHIR MOHAMAD
Sau chiến thắng chấn động chính trường quốc tế hồi tháng 5 vừa qua, ông Mahathir tiếp tục thể hiện những dấu ấn trên cương vị thủ tướng Malaysia. Trong chuyến thăm 5 ngày của mình tại Trung Quốc, truyền thông lại có dịp nhắc tới vị lãnh đạo này.
Hủy những dự án "vô nghĩa"
Phát biểu hôm 21-8, ông Mahathir khẳng định hai dự án trị giá hơn 20 tỉ USD do Trung Quốc hậu thuẫn sẽ bị hủy, theo New Straits Times.
Đây là những dự án nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Malaysia, bao gồm dự án đường sắt bờ biển phía đông (ECRL) trị giá 20 tỉ USD và một dự án đường ống khí đốt tại bang Sabah.
ECRL là dự án đường sắt dài 688km nối Port Klang và Kota Bharu, được khởi động năm ngoái và dự kiến hoàn thành năm 2024. Trong khi đó, đường ống ở Sabah dài 662km từ Kimanis đến Sandakan và Tawau, đã bị tạm ngưng từ tháng 7 năm nay.
Kể từ lúc làm thủ tướng thay ông Najib Razak, ông Mahathir đã và đang xem xét lại những dự án lớn do chính quyền tiền nhiệm ký kết.
Ông Mahathir thẳng thắn chỉ trích nhiều dự án trong số này là "sự ngu ngốc" của chính quyền Razak, đồng thời khẳng định chúng không có ý nghĩa tài chính nào cho Malaysia.
Ngoài ra khi đề cập tới quyết định trên với Trung Quốc, ông Mahathir cho rằng các dự án này sẽ bị hủy cho đến khi nào Malaysia có khả năng gánh vác nó.
Trong lập luận chỉ trích quyết định ký kết của chính quyền Razak, ông Mahathir cũng bóng gió nói rằng sự "ngu ngốc" nằm ở chỗ các dự án ấy chứa những điều khoản "không công bằng".
Trong dịp gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh ngày 20-8, ông Mahathir nói ông tin rằng Trung Quốc sẽ hiểu được "những vấn đề tài chính nội bộ" mà Malaysia đang đối mặt, bao gồm hậu quả từ nghi án tham nhũng của chính quyền trước.
Nước cờ của Mahathir
Cách tiếp cận nửa cứng nửa mềm của ông Mahathir không xa lạ khi Malaysia vẫn ý thức được sự cần thiết của việc cân bằng lợi ích. Tuy nhiên, cách ông Mahathir chọn thời điểm hành động cũng rất đáng suy nghĩ.
Tham vọng làm lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc là điều không bàn cãi. Nhưng Bắc Kinh đang gặp trục trặc lớn khi sa vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tờ South China Morning Post bình luận rằng Trung Quốc đang tìm cách ổn định quan hệ với các nước nhỏ hơn, trong đó có Malaysia. Để tranh thủ được các nguồn lực này, việc "cuộn một tấm thảm đỏ" đón nhà lãnh đạo lão luyện như Thủ tướng Mahathir dĩ nhiên là điều cần thiết.
Thay đổi trong cách tiếp cận của Trung Quốc được ông Shi Yinhong, nhà phân tích quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc), phân tích: "Trung Quốc đã trở nên kiên nhẫn hơn, so với cách tiếp cận của họ chừng 5 hoặc 6 năm trước. Đó là dấu hiệu rõ ràng về sự điều chỉnh".
Theo ông Shi, ví dụ điển hình là việc Trung Quốc đã tránh phản ứng đối với quyết định dừng các dự án do họ đầu tư vào Malaysia của ông Mahathir.
Tuy vậy trong phần trả lời phỏng vấn South China Morning Post, vị chuyên gia người Trung Quốc này - vốn cũng đang là nhà tư vấn trong Hội đồng nhà nước - tranh thủ "nhắn nhủ" các nước khác rằng "Malaysia không nên đặt mức giá quá cao" khi tái đàm phán với Trung Quốc.
Trong quá khứ, ông Mahathir đã nổi tiếng là người đưa Malaysia vượt lên mà không lệ thuộc vào bất cứ nước mạnh nào.
Thủ tướng Mahathir đang nỗ lực giảm nợ công phình to lên con số 250 tỉ USD của Malaysia.
Dù đang đi ngược lại với tham vọng "Vành đai - con đường" của Trung Quốc trong các dự án đầu tư hạ tầng, ông vẫn tìm cách thắt chặt quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận