TTCT - Thế hệ các cháu, hay thế hệ thứ ba, thường cảm thông với thế hệ thứ nhất, hay ông bà, hơn là với thế hệ thứ hai, là cha mẹ. Trên chính trường Malaysia, ông Mahathir được giới thanh niên yêu mến nhờ tâm lý gia đình này. Ông Mahathir rất được lòng các cử tri trẻ Malaysia. Ảnh: Getty Images Sau khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders (78 tuổi) nhập viện và phải gắn hai stent trợ tim, vấn đề tuổi tác của các chính trị gia được quan tâm trở lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump (73 tuổi), lúc ứng cử năm 2016, cũng đã phải công bố tình trạng sức khỏe, theo bác sĩ điều trị của ông lúc bấy giờ là rất tốt, tốt nhất nước Mỹ và tốt nhất trong lịch sử nước này xưa nay, có thể là tốt nhất trong lịch sử nhân loại. Ngoài ông Sanders, cựu phó tổng thống Joe Biden hiện 76, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren là 70. Nhưng đó là phương Tây, vốn trọng sự trẻ trung, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được bầu lên lúc 40 tuổi, hay Thủ tướng Áo Sebastian Kurz lúc 30 tuổi, Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern nhậm chức lúc 37 tuổi. Đại đế Napoleon đứng đầu nước Pháp khi 30 tuổi. Gừng càng già… Phương Đông có truyền thống văn hóa khác. Nguyên thủ hiện vô địch thế giới về cao tuổi là Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 94 tuổi. Kinh nghiệm là giá trị. Tôi từng gặp nhiều người Malaysia ở tuổi 30-40 khi đề cập đến ông trước khi ông thắng cử ở tuổi 92, mắt họ sáng lên và gọi ông là lão sư hay lão trượng. Trường hợp Mahathir là trong thời hiện đại và là đặc biệt, ông không tiếp tục hay thừa kế chức vụ này từ một đảng hay một thế lực đang cầm quyền, mà từ vị trí đối lập với chính quyền. Ông phải vật lộn với một cuộc bầu cử gian nan và suýt soát. Cũng khác với các ứng cử viên thông thường, nghĩa là đang tích cực trên chính trường, ông đã hồi hưu và lừng lẫy danh tiếng quá khứ rồi, từ thời “xa xưa” khi ông từng làm thủ tướng gần 40 năm về trước (1981 - 2003). Vấn đề sức khỏe của ông Mahathir được quần chúng cử tri trầm trồ mà lật ngược lại, trở thành lợi thế, cũng như tuổi rất thấp của Thủ tướng Áo Kurz, hiện mới có 33. Nếu 80 tuổi là quá già, thì 92 lại trở nên đặc biệt xuất chúng, tương tự như 40 là quá trẻ, nhưng 33 thì là “thần đồng”! Một tấm ảnh chụp ông Mahathir sau khi thắng cử vô tình cho thấy ông trong bữa tối tại tư gia chỉ dùng một chén cơm be bé, bên cạnh có một ly nước lã và một lọ vitamin. Hôm sau, nhãn thuốc này biến mất khỏi thị trường tại Malaysia vì đắt hàng quá, mọi người đổ xô nhau đi mua để “cải lão hoàn đồng”! Bí quyết sống lâu, sống khỏe của ông Mahathir được cho là ăn tối chừng mực cộng một ly nước lã có vitamin sủi bọt. Nói cách khác, thay vì trở ngại cho lãnh đạo trong tâm thức quần chúng thì tuổi rất thấp hay tuổi rất cao trở thành bằng chứng của khả năng siêu việt khác thường. Thủ tướng Kurz nếu đã 50 thì mất đi điểm son này: “Ai 50 chẳng làm thủ tướng được, không có gì đáng nói”. Thủ tướng Mahathir nếu “mới” 80 thì cũng thế, bị coi là quá già rồi, “còn làm thủ tướng gì nữa, thế thì ở nhà mà trông chắt đi”. Một điểm khác, không kém quan trọng trong trường hợp cá biệt của Malaysia là ông Mahathir chỉ nhậm chức “lâm thời”. Ông là biểu tượng đối lập với thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak và trong cuộc bầu cử 2018, ông Mahathir ra là để “giữ chỗ” cho cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim. Đây là hợp đồng của Liên minh Pakatan Harapan. Ông Anwar vì bị chính quyền cũ kết án nên không ra ứng cử được và ngay sau khi thắng cử, vợ của ông Anwar - bác sĩ Wan Azizah - được cử giữ chức phó thủ tướng trong nội các mới. Ông Mahathir cho biết ông sẽ chỉ tại chức một hoặc hai năm như một thời kỳ chuyển tiếp, trong khi đợi ông Anwar (72 tuổi) ra tù. Năm 2018, ông Anwar còn đang ngồi khám thụ án 5 năm tù từ năm 2015. Sau khi liên minh đắc cử, ông được nhà vua ân xá nhưng không lấy lại chỗ thủ tướng ngay, có lẽ đợi Mahathir dùng uy tín của ông này để củng cố chính quyền mới. Theo Anwar, ông không vội vì Mahathir cũng áp dụng cùng một chính sách cải cách như ông mong muốn, và có lẽ ông Anwar có ý dùng lão sư để “đỡ đạn” vì đằng nào ở tuổi ông Mahathir, làm thủ tướng hai năm nữa cũng kể như là làm thủ tướng… mãn đời rồi. Vẫn thừa trẻ trung Nội các Mahathir 2018 bèn có ngay bộ trưởng rất trẻ, đẹp trai và bụng sáu múi là Syed Saddiq, 25 tuổi. 25 cộng với 92, chia đôi là 58-59, nghe rất hợp với đạo trời. Anh Syed từng là sinh viên từ chối học bổng 100.000 USD tại Oxford, ở lại Malaysia hoạt động đối lập và nay là bộ trưởng Bộ Thanh niên và thể thao. Cùng bà Yeo Bee Yin (Dương Mỹ Doanh) - bộ trưởng Bộ Năng lượng, khoa học, kỹ thuật, môi trường và biến đổi khí hậu (36 tuổi) và Thứ trưởng Bộ Phụ nữ và gia đình Hannah Yeo Tseow Suan (Dương Xảo Song, 40 tuổi), ông Syed đại diện cho giới trẻ Malaysia. Ông đề nghị Quốc hội hạ tuổi cử tri từ 21 xuống 18 và tại Asian Games 2018 ở Jakarta (Indonesia) đưa lên mạng clip cho thấy Syed và Tổng thống chủ nhà Joko Widodo vui vẻ gọi nhau là “Bro”, tức “huynh đệ”. Đây gỡ gạc lại phần nào tuổi đã lớn của ông Mahathir với cử tri và dư luận giới trẻ trong nước, vẽ ra hình ảnh cải cách và ít nặng về hình thức ngọai giao. Nếu trong thập niên 1970 thời trang là quần ống loe, 20-30 năm sau chuyển sang ống túm thì 50 năm sau ống loe trở lại. Cách biệt thế hệ là chuyện thường thấy ở mọi xã hội, nói chung là cách biệt giữa cha mẹ và con cái. Hai thế hệ tiếp nối nhau thường xung đột đủ thứ, và tuổi trẻ có nổi loạn là nổi loạn với thế hệ trực tiếp đi trước. Trong những gia đình tam đại đồng đường, bố mẹ mắng con thì ông bà lại cản và bênh. Giữa thế hệ ông bà và thế hệ các cháu ít có xung đột, mà lại thiên về tâm lý dễ dãi hay tình cảm, bởi cách biệt đã quá xa và có chỗ rộng rãi để ngắm nghía hay lùi lại. Thế hệ các cháu, hay thế hệ thứ ba, thường cảm thông với thế hệ thứ nhất, hay ông bà, hơn là với thế hệ thứ hai, là cha mẹ. Trên chính trường Malaysia, ông Mahathir được giới thanh niên yêu mến nhờ tâm lý gia đình này. Ông có bao giờ đánh đít thanh niên ngày nay đâu. Họ có ngỗ nghịch thì ông cười hiền lành và xoa đầu bảo bố mày ngày xưa còn láo gấp mấy, tao nói có được đâu! Nhờ khoảng cách hai thế hệ này, ông Mahathir được hưởng sự trìu mến của giới trẻ. Thập niên 1980-1990, khi ông cầm quyền, họ không sống qua những tiêu cực xã hội, mà chỉ biết âm vang của một thời phát triển “thần kỳ” kiểu cổ tích và chỉ nhớ là ông thủ tướng có con gái rất đẹp. Hình ảnh của Mahathir là của một lão sư hiền triết và hiểu biết, không phải là hình ảnh của vị sếp gắt gỏng và khó tánh. Nói cách khác, ông là cố nhân của 20 năm trước mới gặp lại, không phải là bà vợ mươi năm qua mỗi ngày lại nhắc “sao giờ này ông mới chịu vác xác về”. Tuổi trẻ Malaysia năm ngoái không xuống đường như ở Tunisia, Ai Cập, không đi vào nội chiến tang thương như ở Syria, Yemen, Libya, mà tạo bất ngờ, khi khui thùng phiếu ra và đếm thì mới biết! Họ chọn lựa dân chủ và ưu tiên trong sạch, trong một giai đoạn kinh tế đang ổn định và tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên trong khu vực có sự thay đổi chính quyền bằng bầu cử nhẹ nhàng, gương sáng cho một Singapore phồn thịnh gấp đôi ba ở cạnh. Nó khả thi vì kết hợp được tinh thần ôn hòa, thành phần cử tri trẻ đòi cải cách với một bộ phận lãnh đạo mới nhưng có kinh nghiệm và uy tín, điển hình là ông Mahathir, nay có vẻ đã quán tưởng, biết tự giác và thay đổi khi chuyển sang ủng hộ ông Anwar, đệ tử ruột từng bị chính ông truất phế và bỏ tù. Ít người sáng suốt và sống đủ lâu để có thể vài lần “phóng hạ đồ đao” kiểu đó. Xung đột giữa cử tri Malaysia và chính quyền trước của ông Najib đã được giải quyết không phải qua chu kỳ bất hủ phản đối-đàn áp-kháng cự-lật đổ-nội chiến như thường thấy nhờ cách trị cha bằng ông nội, cũng là một kiểu đặc sắc Á Đông!■ Liên minh Pakatan Harapan về nhất năm 2018 với 48,31% số phiếu và 121/222 ghế đại biểu là một bất ngờ. Liên minh cầm quyền Barisan của Đảng UMNO trước giờ vững chãi nhờ chính sách ưu đãi cử tri “dân tộc” (Bumiputera), tức là người gốc Mã Lai tại Malaysia. Quốc gia này đa chủng tộc, với đa số (65%) là người Mã và đạo Hồi. Sau độc lập, họ là thành phần được hưởng chế độ ưu tiên về giáo dục, nhà đất, công ăn việc làm trong nhà nước… Đây là một cách quân bình lại quyền lực xã hội vì trong thời kỳ thuộc địa, chính quyền Anh quốc nhập nhân lực gốc Hoa và Ấn nắm kinh doanh, sản xuất và quản lý tại thành thị, để nông thôn cho các địa chủ phong kiến và vương hầu địa phương cai trị, khiến ngày nay 1/5 dân số gốc Hoa vẫn còn nắm 2/3 kinh tế cả nước. Đạo Hồi, từ đầu thế kỷ 21, lại đang trải qua cuộc khủng hoảng toàn cầu về bản sắc. Nhưng nếu ở đây ở kia là bởi sự cực đoan và giáo điều, chiến tranh và bạo lực thì nếu có cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập” ở Malaysia, nó đã thành công bằng con đường dân chủ và lá phiếu, một cách thầm lặng và bình yên. Tags: Thủ tướng MalaysiaThủ tướng Mahathir MohamadTuổi tác chính trị giaGừng càng già càng cayTài không nệ tuổi
Bầu cử Mỹ: Đe dọa đánh bom làm gián đoạn bầu cử ở Georgia DUY LINH 05/11/2024 Năm mối đe dọa đánh bom đã làm gián đoạn bầu cử tại hai địa điểm ở Georgia, trong khi tại hạt Cambria, Pennsylvania xảy ra 'sự cố phần mềm'...
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.