Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2023 và những năm gần đây, hoạt động của ngành kế hoạch và đầu tư có 10 điểm sáng nổi bật, trong đó quan trọng nhất là phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra ở cả hiện tại và tương lai.
Tập trung vốn tạo đột phá hạ tầng
Những điểm sáng nổi bật ra sao? Trong đầu tư công bộ đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển…, những "quả đấm thép" cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Số chương trình mục tiêu quốc gia đã giảm từ 60 chương trình (2011-2015) xuống còn 21 chương trình (2016-2020), đến nay còn 3 chương trình (2021-2025).
Số dự án đầu tư công giảm từ 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương (2016-2020) xuống còn 5.000 dự án (2021-2025) để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế.
Phấn đấu đến năm 2025 cả nước xây dựng được 3.000km cao tốc, đến năm 2030 xây dựng được khoảng 5.000km.
Trong quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiên định, kiên trì trình Quốc hội qua 3 kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch. Qua đó giảm từ hơn 20.000 quy hoạch trên cả nước trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch ngành, cấp tỉnh được tích hợp trong quy hoạch tỉnh duy nhất.
Qua đó khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương.
Bên cạnh đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.
Về các thách thức trong năm 2024 và những năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung kế hoạch 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7% và chiến lược 10 năm 2021-2030 tăng khoảng 7%/năm.
Bên cạnh đó GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Và để đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: Trong bối cảnh khó khăn năm 2023, kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của thế giới.
Thu hút đầu tư FDI đạt kỷ lục 36,6 tỉ USD, giải ngân đạt hơn 23 tỉ USD, góp phần ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng là điểm sáng, bộ đã tham mưu cho Chính phủ lập 26 tổ công tác, phát hiện hơn 1.000 vướng mắc để tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.
"Trong 111 quy hoạch quốc gia, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định được 107 quy hoạch, đây là nỗ lực lớn bởi công tác quy hoạch khó vì phải phát huy thế mạnh, hạn chế được điểm yếu và có tầm nhìn", Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng cũng ghi nhận xu hướng phục hồi doanh nghiệp, số doanh nghiệp gia nhập thị trường cuối năm lớn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường lớn hơn số rút đi.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, theo Thủ tướng cũng có bước tiến mạnh mẽ, đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã thu hút được 41 quỹ đầu tư, cam kết đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận