14/11/2021 10:47 GMT+7

Thủ tướng: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

CHINHPHU.VN - TTXVN
CHINHPHU.VN - TTXVN

TTO - Với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là học trò, người đứng trên bục giảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước.

Thủ tướng: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng các đại biểu đến dự cuộc gặp mặt nhân Ngày 20-11 - Ảnh: VGP

Các thầy cô đã khắc phục khó khăn thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy, cô giáo, ngành giáo dục và đào tạo đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội, động lực để đổi mới giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Sáng 14-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Cùng dự cuộc gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 60 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón 60 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước, "dành thời gian cho tôi được gặp mặt, được nghe, được chia sẻ các thầy cô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là những người hội tụ phẩm chất trí tuệ, sự tận tâm, trách nhiệm và tình yêu đối với sự nghiệp trồng người, là "những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp". 

"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là một người học trò và từng là người giảng dạy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước", Thủ tướng nói.

"Con ơi nhớ lấy lời này. Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên"; "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", nhắc lại lời dạy của cha ông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. 

Thủ tướng: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - Ảnh VGP

Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục. 

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. 

"Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh...".

Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa đảm bảo khoa học, hiệu quả và phù hợp, đổi mới thi cử hiệu quả, có chính sách thu hút nhân tài, tăng cường dạy kỹ năng sống, chú trọng nâng cao hiệu quả chất lượng các môn học lịch sử, ngoại ngữ, tin học...  

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Thủ tướng: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20-11 - Ảnh: VGP

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

- Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. 

Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vắc xin. Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần.

Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh. 

- Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vẫn có một số nơi chưa làm. 

Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. "Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập".

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do COVID-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi. Các bộ, ngành rà soát và điều chỉnh chính sách đối với trẻ em mồ côi, trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội.

- Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học. 

Để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa..., Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.

Nhân dịp 20-11, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân danh cá nhân, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, các giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam. 

"Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người", ông nói.

Sau đây là phát biểu của một số nhà giáo tại buổi gặp mặt.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn thì được đến trường dạy học trực tiếp thực sự là hạnh phúc với thầy và trò chúng tôi. Để có được niềm hạnh phúc đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị địa phương đã thực hiện tốt sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tôi xin dành tình cảm, sự chia sẻ chân thành nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh ở các địa phương vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà chưa thể đến trường. Tôi cảm nhận được đầy đủ sự mất mát to lớn, sự xáo trộn nặng nề mà dịch bệnh COVID-19 đã gây ra cho biết bao gia đình và nhất là với các em nhỏ.

Cô Lê Ngọc Lan (hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, tỉnh Hòa Bình)

Thời gian vừa qua, TP.HCM đã có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Thời gian đầu của giãn cách, các em học sinh gặp rất nhiều trở ngại. Có những em mất cả cha lẫn mẹ, cũng có những em hoàn cảnh vô cùng nghèo.

Các thầy cô tự nhủ bằng mọi giá phải tạo điều kiện cho các em được học, các nhà giáo đã cùng nhau ủng hộ cơ sở vật chất để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngành giáo dục thành phố cũng hỗ trợ thiết bị để cho các em học.

Cũng trong thời điểm đầu của thời gian giãn cách xã hội, việc đem sách, thiết bị tới cho các em rất khó khăn. Nhưng tới thời điểm hiện tại, các em được tham gia học trực tuyến. Các thầy cô cũng mày mò, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, để công tác dạy và học duy trì hiệu quả nhất có thể.

Cô Mai Thị Kim Phượng (hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM)

Phải đặt an toàn của các em học sinh lên trên hết

Sau những trận lũ, nhiều học sinh hỏi: "Cô ơi, sáng nay có đi học được nữa không?". Cô chỉ có thể trả lời: Nếu việc đến trường không an toàn thì các em nghỉ, phải đặt an toàn của các em lên trên hết.

Tuy khó khăn như vậy, nhưng thầy trò của vùng đất này luôn cố gắng, nỗ lực cao nhất để vươn lên. Nhiều đêm lũ về đột ngột trong đêm, nhiều học sinh không kịp phòng tránh lũ, ướt hết sách vở, quần áo… Các em nói: "Cô ơi, cho em nghỉ học, vì bây giờ em không có áo quần khô để đi học".

Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã thay đổi tới 6-7 thời khóa biểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên và học sinh cố gắng, nỗ lực để làm sao vừa dạy và học, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch.

Cô Hồ Thị Tuyết (giáo viên Trường THCS Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)

Bão lũ không thể dập tắt ngọn lửa yêu nghề

Tôi không phải giáo viên đến từ miền Trung, nhưng chồng tôi là nhà giáo tại tỉnh Hà Tĩnh. Cứ mỗi lần lũ về, gia đình lại vô cùng trăn trở. Trong hoàn cảnh ấy, cứ 3, 4 ngày không thể liên lạc với chồng và 2 con, tôi rất lo lắng.

Khi liên lạc được, hình ảnh lũ lụt, nước biển lấn sâu vào đất nước, mênh mông trên những mái nhà khiến tôi và nhiều người vô cùng xót xa. Khó khăn chồng chất khó khăn, dịch bệnh cũng xảy ra với vùng lũ.

Quá nhiều trẻ em miền Trung thiếu thiết bị để học trực tuyến. Tôi cũng rất thương các thầy cô miền bão lũ vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn. Điều tôi mong ước hiện nay là ngọn lửa nghề trong mỗi chúng ta đừng bao giờ dập tắt, ngọn lửa yêu nghề cần tràn đầy hơn nữa, tiếp thêm năng lượng đến từng học sinh, hãy mang con chữ đến mọi vùng sâu vùng xa, vùng "rốn lũ".

Cô Lê Thị Uyên (giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)

Bộ trưởng GD-ĐT trả lời chất vấn Quốc hội: Giáo viên, học sinh kiến nghị gì? Bộ trưởng GD-ĐT trả lời chất vấn Quốc hội: Giáo viên, học sinh kiến nghị gì?

TTO - Vấn đề gì của giáo dục hiện nay nên ưu tiên làm ngay và cần được quan tâm, điều chỉnh? Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà giáo trước phiên bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

CHINHPHU.VN - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên