21/08/2020 10:05 GMT+7

Thủ tướng: Không thể bàn mãi mà không làm được

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Không thể xuê xoa dễ dãi, không để tình trạng giải ngân chậm vì liên quan đến rất nhiều vấn đề của xã hội, đất nước. Không thể nói mà không làm do chủ quan tổ chức thực hiện kém của chính chúng ta. Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng: Không thể bàn mãi mà không làm được - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu khai mạc hội nghị giao ban trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, bộ, cơ quan trung ương về tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020, tổ chức sáng 21-8 tại Văn phòng Chính phủ.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ở các lĩnh vực đầu tư và địa phương có các dự án đầu tư công được phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. 

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, như phân bổ vốn nhanh, nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, nên Thủ tướng yêu cầu hội nghị này phải làm rõ "phân bổ vốn đã nhanh chưa, đã đến được các địa phương chưa", hay "các vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng ở những dự án trọng điểm quan trọng các địa phương đã làm xong chưa?.

"Vì cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn tồn tại, tìm kiếm nhiều giải pháp để cải thiện vấn đề này. Không thể cứ bàn mãi mà không làm được. Và sẽ xử lý nghiêm các địa phương chậm giải ngân ", Thủ tướng nghiêm khắc nhắc nhở

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật d0ầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước năm 2020.

Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.  

Thủ tướng: Không thể bàn mãi mà không làm được - Ảnh 2.

Thi công dự án thành phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: UÔNG VIỆT DŨNG

Tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỉ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỉ đồng). 

Số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 22.081 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 15.825 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 6.256 tỉ đồng.

"Hiện nay có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỉ. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỉ đồng", ông Dũng thông tin thêm.

Ông Dũng cũng cho hay đến nay, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 được ghi nhận tại các địa phương là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù. 

Đơn cử như vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương khi dự án đi qua 13 địa phương.

Trong khi đó theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31-7-2020 là 193.040 tỉ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến 31-8-2020 là 221.768 tỉ đồng đạt 47% so với kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Hiện vẫn còn  29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Nỗ lực giải ngân hết số vốn đầu tư công năm nay Nỗ lực giải ngân hết số vốn đầu tư công năm nay

TTO - Kinh tế khó khăn kéo theo việc làm bị ảnh hưởng. Đầu tư công là kênh hỗ trợ giúp tăng việc làm. Cùng một cơ chế nhưng nhiều nơi làm tốt, nhiều nơi lại làm kém. Vì sao?

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên