Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại TP Cần Thơ sáng 27-9 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 27-9, phát biểu khai mạc phiên toàn thể hội nghị về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 3 hội nghị chuyên đề đã họp ngày 26-9.
Sáng 27-9, phát biểu khai mạc phiên toàn thể hội nghị về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 3 hội nghị chuyên đề đã họp ngày 26-9.
"Ba hội nghị chuyên đề đã thảo luận thẳng thắn, góp ý nhiều ý kiến cơ bản cho ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cảm ơn các tổ chức, cá nhân và lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước, nước ngoài.
Ông kể rằng hồi tháng 7 trong chuyến đi Hà Lan có khảo sát vùng đồng bằng Hà Lan, nhận thấy có nơi ngập sâu 1m nước.
Và ngày hôm qua, Thủ tướng lại vừa mới có chuyến khảo sát dọc bờ biển Sóc Trăng, Kiên Giang... và cũng đã thấy được hiệu quả của các giải pháp công trình, phi công trình.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta không biết tổ chức tốt công việc, chúng ta phải trả giá đắt với thiên nhiên, đó là sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng. Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất, nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu dân để có tương lai xán lạn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng khẳng định ông rất lạc quan về ĐBSCL, không cho ĐBSCL có nguy cơ, mà đó là những thách thức.
"Có người nói ĐBSCL sắp mất trong mấy chục năm nữa, nhưng cũng giống như những thách thức đó đã có nhiều đồng bằng ở các nước vượt lên được thì chúng ta cũng sẽ vượt lên", Thủ tướng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham gia hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL và theo chương trình, ông sẽ có bài tham luận tại hội nghị này - Ảnh: CHÍ QUỐC
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến vào các vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, xác định rõ rất cả những thách thức có tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới, trong đó cần có cơ sở khoa học, thực tiễn, khách quan, có tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu, các tác động từ bên ngoài.
Thứ hai, trên cơ sở các nhận định xu thế, thách thức và cơ hội, cần chỉ ra quan điểm chỉ đạo đối với việc định hình, chuyển đổi mô hình phát triển. Đặc biệt liên quan đến việc quy hoạch, sắp xếp, quy hoạch lại không gian lãnh thổ cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái, hướng đầu tư bảo đảm phát triển tổng thể, kết nối liên vùng, TP.HCM.
Bảo tồn những giá trị cơ bản, cốt lõi của ĐBSCL.
Thứ ba, cần xác định đâu là giải pháp cấp bách, chiến lược, lâu dài, các chương trình, các đề án, các nhiệm vụ ưu tiên với từng giai đoạn cụ thể. Cần tránh đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính tổng thể, đồng bộ, kém hiệu quả như vừa qua.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, thuế. Tinh thần là cái gì tư nhân làm được cần khuyến khích tư nhân bỏ tiền của ra làm.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết ngày 26-9, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì các phiên chuyên đề về định hình chiến lược phát triển bền vững.
Các phiên chuyên đề đã nhận được 17 bài tham luận và 51 ý kiến phát biểu, trao đổi; trong đó có:
- 11 bài tham luận, 18 ý kiến về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho vùng.
- 9 bài tham luận, 23 ý kiến về quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.
- 7 bài tham luận, 25 ý kiến về phát triển nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận