Sáng 4-2, trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Phù Cát.
Khảo sát thực địa tại sân bay, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND tỉnh Bình Định sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng hàng không Phù Cát để sẵn sàng phê duyệt sau khi Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nghiên cứu nâng cấp cảng hàng không Phù Cát theo phương thức PPP
Cảng hàng không Phù Cát là sân bay nội địa, cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), kết hợp khai thác hàng không dân dụng với hoạt động bay quân sự với 7 vị trí đỗ máy bay, gồm 1 đường cất hạ cánh bảo đảm khả năng khai thác tàu bay như A320/321 và tương đương.
Nhà ga hành khách được xây dựng năm 2018, đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm. Diện tích đất thực tế sân bay hơn 863ha. Theo quy định hiện hành, cơ sở hạ tầng tại sân bay Phù Cát cơ bản đủ điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông vận tải đề xuất, sân bay Phù Cát có công suất đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm.
Cục Hàng không Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao lập Quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện hồ sơ quy hoạch đã hoàn thiện báo cáo giữa kỳ và đang khẩn trương hoàn thành báo cáo cuối kỳ để xin ý kiến các cơ quan liên quan làm cơ sở thẩm định, phê duyệt.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang trình đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Thủ tướng cũng đã thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay quân sự.
Đồng thời nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP một số cảng hàng không. Bộ Giao thông vận tải đã gửi UBND tỉnh Bình Định đề cương làm cơ sở xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP đối với sân bay Phù Cát.
Trên cơ sở khảo sát, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định tích cực phối hợp chặt chẽ Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng hàng không Phù Cát.
Chủ động xây dựng và phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP cảng hàng không Phù Cát làm cơ sở phê duyệt để triển khai.
Trường hợp đề án xã hội hóa đầu tư được cấp có thẩm quyền thông qua, giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quá trình này cần thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, nghiên cứu, vận dụng một số mô hình đầu tư sân bay thành công ở trong nước; bảo đảm tính lưỡng dụng của công trình...
Khánh thành tuyến đường ven biển Cát Tiến - Mỹ Thành
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ cắt băng khánh thành tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành, thuộc tuyến đường ven biển quốc gia; nghe báo cáo về quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông của tỉnh, quy hoạch sử dụng đất trong khu vực.
Đây là tuyến đường đi qua Bình Định với chiều dài hơn 115km, có tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng. Tuyến đường chạy song song với quốc lộ 1 thông suốt từ Quy Nhơn ra đến Hoài Nhơn, được kỳ vọng tạo động lực phát triển toàn diện cho cả mạn phía đông của tỉnh.
Hiện đã có 3 dự án đoạn Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh được đưa vào sử dụng với tổng chiều dài hơn 38km, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Trong đó, đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành có mức đầu tư 1.967 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương.
Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung làm xong con đường này trong nhiệm kỳ, tạo không gian phát triển mới, quỹ đất mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch... gắn với hoàn thiện môi trường sau khi dự án hoàn thành.
Tinh thần phía Đông của đường mới ưu tiên quy hoạch, phát triển du lịch, dịch vụ; phía Tây sẽ phát triển công nghiệp, khai thác hiệu quả nhất quỹ đất.
Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển là hết sức cần thiết nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.
Theo kế hoạch, trong ngày 4-2, Thủ tướng tiếp tục kiểm tra một số dự án, công trình trọng điểm tại Bình Định.
Sáng 5-2, Thủ tướng chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Chiều 5-2, Thủ tướng làm việc với tỉnh Bình Định về thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
N.TIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận