06/11/2022 09:32 GMT+7

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm

NGỌC AN - THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
NGỌC AN - THÀNH CHUNG - TIẾN LONG

TTO - Thủ tướng nhìn nhận một trong những nguyên nhân chủ quan của việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt mong muốn chủ yếu do có tâm lý "sợ trách nhiệm".

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục.

Ngày 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính là người cuối cùng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đang từng bước được cải thiện, nhưng cần kiên trì với việc triển khai các biện pháp đồng bộ như động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Sửa đổi quy định, đảm bảo hiệu quả quản lý xăng dầu

Báo cáo trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 5-11, trong đó có vấn đề điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu, đề xuất xem xét các loại thuế khác để giảm giá hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... 

Tuy vậy, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng quỹ bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. 

Đồng thời sửa đổi quy định, đảm bảo hiệu quả quản lý xăng dầu, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng phòng chống buôn lậu, đầu cơ, kiểm tra giám sát để xử lý nghiêm và nghiên cứu nâng tổng mức dự trữ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhìn nhận việc thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt mong muốn của cử tri. Với số vốn còn lại tới 282.000 tỉ đồng, còn 8,3% tổng số vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ... 

Nguyên nhân chủ quan, theo Thủ tướng, chủ yếu do có tâm lý "sợ trách nhiệm". Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, thực hiện cơ chế đặc thù. Rà soát điều chuyển vốn, không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 3.
Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 4.

Trong bối cảnh việc điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn, Thủ tướng khẳng định: "Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, mà phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt. 

Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Việc này không chỉ để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững".

Ông cho hay hiện đã có chủ trương, giải pháp để xử lý bốn ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý đối với 5/12 dự án, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1. 

Riêng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng khẳng định đã tập trung chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đến nay thị trường vốn cơ bản phát triển đầy đủ, quy mô tăng mạnh.

Dù vậy Thủ tướng cũng nhìn nhận thị trường có tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nên cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý các quy định liên quan, thực hiện đồng bộ giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững. 

"Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và các quy định liên quan. Tăng công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, tuân thủ của doanh nghiệp, kiểm soát hơn đấu giá quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân...", ông cho hay.

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 5.

Tình trạng thiếu thuốc đang diễn ra ở nhiều bệnh viện. Trong ảnh: bệnh nhân chờ đợi mua thuốc tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hạn chế việc "trên nóng, dưới lạnh"

Trong phần chất vấn, nhiều đại biểu đặt vấn đề với Thủ tướng về giải pháp tháo gỡ hạn chế hạ tầng và cải cách hành chính. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính. 

Tuy nhiên, cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, trên trải thảm, dưới trải đinh, vẫn còn tư tưởng làm ít, sai ít. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề nêu trên và giải pháp khắc phục", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) chất vấn.

Trao đổi lại, Thủ tướng nói: "Tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch...".

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 6.
Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 7.

Trong đó xuất khẩu đạt 312,82 tỉ USD; nhập khẩu đạt 303,42 tỉ USD + xuất siêu 9,4 tỉ USD

Khi được chất vấn về cải cách hành chính, ý thức, thái độ của cán bộ, Thủ tướng cho biết những thành quả trong 35 năm đổi mới, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức. 

Ông cho rằng quá trình phát triển phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài... 

Các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng, với tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để có giải pháp tốt hơn đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ nhân dân, với quan điểm của Đảng lấy "xây" là chiến lược về cơ bản, lâu dài, "chống" là quan trọng, thường xuyên.

Chia sẻ công việc ở cơ sở vốn đã nhiều sẽ càng nhiều hơn khi có dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng phải thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, nhưng đảm bảo sát với tình hình thực tế. 

"Chính sách tinh giản hiện nay được thiết kế cho toàn hệ thống, chưa đảm bảo được tính đặc thù của chính quyền cơ sở ở nông thôn. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, đảm bảo dung hòa giữa điểm chung, điểm riêng, đặc thù vùng miền trong công tác này", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng sợ trách nhiệm - Ảnh 8.

Công nhân làm việc tại Công ty Vexos chuyên sản xuất linh kiện điện tử (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh:

Khắc phục việc cào bằng khi tinh giản biên chế

Tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực nhằm thực hiện cải cách tiền lương.

Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính.

Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cũng là bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế.

Y tế, giáo dục tự chủ còn khiêm tốn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết nhìn tổng thể việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành y tế, giáo dục vẫn còn khiêm tốn. Tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đạt 6,6% và tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ đơn vị sự nghiệp, bà Trà cho biết sẽ tổ chức hội nghị đánh giá toàn diện và có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc, đồng thời rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.

* Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong:

Khắc phục hạn chế thu hồi tài sản tham nhũng

Việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng luôn là công việc khó khăn, phức tạp và chưa đạt như mong muốn. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục, cũng như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra, thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (ủy viên Ủy ban Kinh tế):

Thủ tướng đã nêu rõ phương hướng ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngoài phần trả lời súc tích, rõ ràng thì bản báo cáo trước khi trả lời đã đề cập rất rõ các vấn đề cần quan tâm của nền kinh tế - xã hội trong 10 tháng.

Việc điểm lại này chính là thể hiện ra kinh nghiệm nhằm đạt được các chỉ số quan trọng đó, đồng thời chỉ rõ các vấn đề còn khó khăn, tồn tại như điều hành xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị, giải ngân đầu tư công...

Ông chỉ rõ nguyên nhân và hướng tới các công việc cần làm để giải quyết các vấn đề này. Một điểm khác là Thủ tướng đã chỉ ra hướng điều hành tới đây để làm sao giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt kiểm soát lạm phát nhưng không tạo ra "điều hành giật cục"...

Cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra phương hướng, giải pháp cần thiết để xử lý ổn định ngân hàng, thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán.

* Đại biểu TRẦN KIM YẾN (TP.HCM):

Cử tri quan tâm giải pháp của bộ, ngành

Phần trả lời của các vị "tư lệnh" ngành cho thấy đã nắm khá vững, khá chi tiết về lĩnh vực được phân công, phụ trách. Đồng thời cũng nêu ra được những cái còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực mình ở những vấn đề rất cụ thể.

Tuy nhiên, tôi thấy có một số lĩnh vực vẫn còn mang tính báo cáo, chưa nêu được giải pháp. Trong khi giải pháp, sự quyết liệt của các bộ, ngành mới là sự quan tâm của đại biểu, cử tri, còn nếu vẫn chỉ là lời hứa thì không phải là điều mong đợi.

* Nguyễn Bảo Minh (học viên cao học ngành chính trị Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM):

Cần xoáy sâu hơn các vấn đề chất vấn

Các câu hỏi chất vấn của các đại biểu dành cho Thủ tướng trong phiên chất vấn rõ ràng, bám sát các nhóm vấn đề được Quốc hội đề ra, chỉ ra những yếu kém của từng lĩnh vực.

Các nhóm nội dung chất vấn đều là những vấn đề "nóng" là các nhóm nội dung về chính sách đối ngoại; tình hình xăng dầu khan hiếm; việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều tiết lạm phát trong thời gian gần đây.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến kinh tế đất nước, các đại biểu cũng đặt ra những nội dung liên quan đến đời sống văn hóa; tổ chức bộ máy nhà nước trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đầy khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu đặt câu hỏi chưa đi vào trọng tâm và không nằm trong lĩnh vực, phạm vi chất vấn hôm nay.

* Nguyễn Hữu Châu (nguyên ủy viên thường trực HĐND TP.HCM):

Khái quát tốt nhưng chưa tới "ngọn ngành"

Qua phiên chất vấn, Thủ tướng đã thể hiện tròn vai, đúng trách nhiệm trong quá trình điều hành cũng như thể hiện được quan điểm, quyết tâm trước cử tri, nhân dân cả nước. Phần trả lời trực diện, thẳng thắn cho thấy ông hiểu rất sâu sát các vấn đề và khái quát tốt.

Những nội dung đại biểu đề ra, nếu các bộ trưởng đã trả lời trước đó, ông không nhắc lại mà chỉ bổ sung những nội dung chưa đầy đủ.

Nhìn chung, phần trả lời của Thủ tướng khái quát là bởi đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề một cách khái quát, chưa đi sâu vào cụ thể.

Khi nói ra một vướng mắc, bất cập nào đó ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng nên nói cụ thể địa điểm, khó khăn thế nào, vướng mắc ra sao, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội và người dân như thế nào.

Như vậy phần trả lời của lãnh đạo Chính phủ mới sâu sát hơn, đúng bản chất của phiên chất vấn và cũng để vấn đề được giải quyết đến ngọn ngành.

THÀNH CHUNG - HUỲNH NƯƠNG ghi

Thủ tướng: Chống dịch thành công cho thấy đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng Thủ tướng: Chống dịch thành công cho thấy đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng

TTO - "Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khi gặp khó khăn chúng ta đã biến nguy thành cơ", Thủ tướng Chính nói về bài học kinh nghiệm sau chống dịch COVID-19, khi trả lời chất vấn chiều 5-11.

NGỌC AN - THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên