29/08/2019 12:52 GMT+7

Thủ tướng giao Đồng Nai xây cầu Cát Lái thay phà hiện hữu

ĐỨC PHÚ - HÀ ANH
ĐỨC PHÚ - HÀ ANH

TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái.

Thủ tướng giao Đồng Nai xây cầu Cát Lái thay phà hiện hữu - Ảnh 1.

Phà Cát Lái, hướng từ Nhơn Trạch - Đồng Nai về TP.HCM ùn tắc kéo dài gần 3km tháng 5-2018 - Ảnh: HỮU KHOA

Cụ thể, trong văn bản mới đây, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với TP.HCM triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020, dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.

Do đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng, việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi nên tỉnh Đồng Nai kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm 3 dự án thành phần.

Cụ thể, phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai 263m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.

Phần cầu chính giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT.

Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nhanh hơn với mạng lưới cao tốc TP.HCM kết nối các tỉnh Nhanh hơn với mạng lưới cao tốc TP.HCM kết nối các tỉnh

TTO - Với dự án xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM thành cao tốc vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng đầu tư, việc sớm phát triển các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh sẽ giúp giải quyết ùn tắc giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh thành trọng điểm phía Nam.

Tại cuộc làm việc giữa TP.HCM - Đồng Nai về dự án mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai.

Bên cạnh đó, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải trong ngày thường lẫn dịp lễ.

Còn theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, lượng xe chạy trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng nhanh. 6 tháng đầu năm 2019 có đến 8,22 triệu lượt xe đi trên đường này, cao hơn 1 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước.

Đơn vị này từng khuyến cáo người dân nên lựa chọn lộ trình phù hợp tránh ùn tắc trên cao tốc.

Ngày 28-8, trong kế hoạch chống ùn tắc dịp lễ 2-9, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam - đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết sau 4 năm đi vào khai thác toàn tuyến, bình quân ngày thường có khoảng 40.000 lượt xe vào cao tốc, còn bình quân ngày lễ tết từ 50.000 - 60.000 lượt.

Dự báo trong dịp lễ này có tới 6 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc. Các đơn vị liên quan đang chuẩn bị các phương án ứng phó với tình hình nêu trên.

Ngoài cao tốc, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2, TP.HCM với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái. Thời gian qua lưu lượng xe qua phà cũng quá tải.

Theo thống kê, lượng khách qua phà trong những ngày lễ từ ngày 31-8 đến 2-9 tới đây sẽ từ 80.000 - 84.000 lượt, cao gấp đôi ngày thường.

Hiện TP.HCM cũng đang kiến nghị điều chuyển hai phà loại 200 tấn từ bến phà Vàm Cống về bổ sung phương tiện có tải trọng lớn nhằm tăng cường sức chuyên chở.

ĐỨC PHÚ - HÀ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên