Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Đắk Lắk.
Chưa phát huy hết tiềm năng và phát triển chưa tương xứng với vị trí, vai trò
Theo Tỉnh ủy Đắk Lắk, năm 2024 là mốc quan trọng khi tỉnh Đắk Lắk tròn 120 năm xây dựng và phát triển.
Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.
Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu được đánh giá, còn 6 chỉ tiêu sẽ được đánh giá vào cuối năm. Cả 10 chỉ tiêu được đánh giá đều có mức tăng trưởng so với năm 2023. Dự báo đến cuối năm 2024, đa số các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Trong đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 25,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,52%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 4.500 tỉ đồng, bằng 64,12% dự toán Trung ương giao. UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 2.900 tỉ đồng…
Công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đến ngày 31-7-2024 đạt 38,9% kế hoạch. Tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư giao thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số vốn là hơn 4.500 tỉ đồng.
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, xem xét đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc còn lại kết nối khu vực Tây Nguyên với các vùng khác trong giai đoạn 2025 - 2030 theo các quy hoạch và tuyến đường kết nối tuyến đường bộ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng Đắk Lắk có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào; có truyền thống lịch sử, văn hóa giàu bản sắc; đất đai rộng lớn và màu mỡ, phì nhiêu; có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư tương đối đồng bộ…
Tuy nhiên Đắk Lắk vẫn chưa phát triển xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; tiềm năng nhiều, nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng. Đắk Lắk vẫn là tỉnh "khó khăn" trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư...
Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Đắk Lắk chưa đạt mục tiêu đề ra; triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, quy mô nhỏ. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức rất cao so với cả nước và vùng Tây Nguyên. Khiếu kiện và tình trạng phá rừng còn xảy ra…
Thủ tướng nhấn mạnh, Đắk Lắk phải sớm đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển không gian sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.
Thực hiện "6 tăng cường" để bứt phá đi lên
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện "6 tăng cường" gồm: tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với đó: tăng cường giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Tây Nguyên; chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thành thị; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo Thủ tướng, tỉnh thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; các dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo…
Đắk Lắk phải triển khai có hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và của vùng Tây Nguyên nhằm kết nối đồng bộ, khép kín giữa hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, quốc lộ 27 với mạng lưới giao thông đô thị thành phố Buôn Ma Thuột; tăng khả năng kết nối thuận lợi, khai thác hiệu quả cảng hàng không Buôn Ma Thuột nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đắk Lắk cần tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon; phát triển hạ tầng du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận