24/08/2016 11:41 GMT+7

Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ cho ngành ngoại giao 

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các trưởng đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ tìm hiểu cái gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay cho Thủ tướng.

*** Error ***
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các cán bộ ngoại giao tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu chỉ đạo tại ngày làm việc thứ hai của Hội nghị ngoại giao lần 29 ngày 23-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các trưởng đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ tìm hiểu cái gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay cho bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kể cả điện trực tiếp cho Thủ tướng.

“Tôi rất lắng nghe các đồng chí. Việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không thực hiện đến nơi đến chốn. Thậm chí có những đề xuất của các đại sứ rất tốt nhưng về các bộ ngành lại triển khai trì trệ. Các bức điện, ý kiến, đề xuất cần được nghiên cứu, vận dụng. Không phải lắng nghe rồi nhưng không giải quyết đến nơi đến chốn” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề ra năm nhiệm vụ chính cho ngành ngoại giao trong thời gian tới.

Thứ nhất, định hình những ưu tiên và xác lập tư duy chiến lược cho ngoại giao trong thời kỳ mới. Cần xác định đâu là những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và phát huy ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế. Cần xác định đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác.

Thứ hai, chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế hợp tác quốc tế và khu vực nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên Hiệp Quốc, WB, IMF, ASEAN, ASEM, APEC...

Thứ ba, chủ động đề xuất, hỗ trợ triển khai, phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp theo phương châm “tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng”.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại.

Thứ năm, các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải đại diện một cách chân thực nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại.

Bên lề Hội nghị ngoại giao lần 29 ngày 23-8, đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí.

Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể học gì từ vụ kiện của Philippines, đại sứ Trương Triều Dương cho rằng Việt Nam vẫn đang bảo lưu các quyền trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

“Về cơ bản, Việt Nam và Philippines phương cách ứng xử là tương đối giống nhau, chỉ khác ở chỗ Việt Nam chưa mang tranh chấp của mình ra Tòa trọng tài quốc tế nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta từ bỏ quyền của chúng ta. Bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra” - đại sứ Dương nói.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên