Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2023), đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: "Tại sao có quy định bất hợp lý, mâu thuẫn chồng chéo trong hệ thống pháp luật trong khi Chính phủ chính là cơ quan trình hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật. Cách khắc phục như thế nào?".
Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho hay thời gian qua, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời.
Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
Theo đó, đã bổ sung, quy định nhiều nội dung mới, quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật theo hướng chặt chẽ, khoa học, dần tiệm cận quy trình lập pháp hiện đại của nhiều nước trên thế giới.
Đến nay đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận: "Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật".
Về nguyên nhân khách quan, theo Thủ tướng do kinh tế, xã hội có sự biến động nhanh, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh, khó dự báo, đặc biệt là tình hình kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực sau đại dịch COVID-19.
Tình hình an ninh, chính trị của thế giới có nhiều bất ổn, đòi hỏi phải có những thay đổi nhanh chóng về mặt thể chế để kịp thời thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh mới.
Về chủ quan, quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật một số cơ quan chưa chủ động thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc đánh giá tác động, khảo sát, tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, trình tự, thủ tục ban hành văn bản...
Việc này dẫn tới vẫn còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Mặt khác, cán bộ xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, thường xuyên biến động, ít được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kịp thời. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự chặt chẽ...
Kịp thời xử lý văn bản trái luật
Để khắc phục bất cập trên, Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung thời gian, nguồn lực, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Đặc biệt, ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật cho ý kiến về các dự án luật cụ thể. Quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn.
Các dự án khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết.
Kịp thời đề xuất bổ sung vào chương trình các dự án nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần kiếm soát dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch...
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chấp hành, thực hiện nội dung chỉ đạo tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng.
Tuân thủ triệt để kỷ luật, kỷ cương và nguyên tắc pháp chế trong các hoạt động; tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, góp ý, thẩm định, thông qua văn bản quy phạm pháp luật.
Tự kiểm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện. Khi phát hiện ban hành văn bản trái pháp luật, cần kịp thời thực hiện nghiêm túc việc xử lý văn bản, gắn trách nhiệm đối với công chức, đơn vị có liên quan.
Thủ tướng: Sửa quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Nghiên cứu sửa đổi nghị định 34 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nghị định 154 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 34 để khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, tổ chức tổng kết, nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định 55 năm 2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận