Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng gạo ST25 vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới - Ảnh: CHÍ QUỐC
Buổi đối thoại do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND TP Cần Thơ và báo Nông thôn ngày nay tổ chức.
Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bà con nông dân hỏi càng cụ thể, thiết thực, càng tốt.
"Sản phẩm chúng ta sản xuất ra giá thành cao. Làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bà con hưởng lợi, Nhà nước phải làm gì, người dân cần làm gì. Chính vì thế hôm nay, báo cáo với bà con không chỉ có thủ tướng mà các cơ quan liên quan đều có mặt ở đây" - Thủ tướng mở đầu.
Theo Thủ tướng, bà con ở ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất, giải pháp nào phát huy được lợi thế Việt Nam nói chung, đặc biệt là vùng ĐBSCL nói riêng. Lần trước cũng đối thoại nông dân cả nước, nhưng lần này Thủ tướng muốn tập trung vào ĐBSCL - vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đặt vấn đề: "Câu hỏi muốn đặt ra là Nhà nước quan tâm, người nông dân đổi mới gì? Người nông dân cũng phải tự đổi mới trong bối cảnh tình hình đất nước, thị trường thay đổi để phát triển. Tính chủ động của bà con rất quan trọng" - Thủ tướng khẳng định.
Vận chuyển nông sản còn vất vả
Đặt vấn đề với Thủ tướng, nông dân Nguyễn Huy Dũng (Tiền Giang) - cho biết vùng ĐBSCL với khoảng 1,5 triệu hecta đất trồng lúa, 20 triệu dân, giữ vai trò then chốt về an ninh quốc gia, xuất khẩu nông sản nhưng giao thông còn hạn chế, vận chuyển nông sản còn vất vả.
Ông Dũng dẫn chứng cho sự "vất vả" mà mình nói như quốc lộ 1 đoạn từ huyện ngã tư Cai Lậy tới đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề nghị cho biết giải pháp cho vấn đề này.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thông tin về tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công và nhiều tuyến khác sắp triển khai. Theo đó, đến cuối năm 2020, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản xong (có thể đi xe trên đường đá, chưa thảm nhựa).
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung đầu tư việc thảm nhựa, nâng cấp quốc lộ 1 với khoảng 1.000km để vận chuyển hàng hóa tốt hơn.
Ngoài việc tiếp tục triển khai tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mà bộ đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Thể nói về lâu dài sẽ tập trung quốc lộ 60 với 2 cầu Đại Ngãi (sử dụng vốn ODA Nhật Bản) và Rạch Miễu 2 (sử dụng vốn ngân sách nhà nước).
"Sẽ khởi động dự án này trong nhiệm kỳ tới để có quốc lộ 60 qua các tỉnh tốt nhất. Thứ hai là đường cao tốc không chỉ tới TP Cần Thơ, Bộ đang nghiên cứu đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Cần Thơ đến Trần Đề (Sóc Trăng), Rạch Giá - Xà Xía (nối Kiên Giang vơi Campuachia)… là những đường cao tốc trục dọc, trục ngang quan trọng, để hình thành mạng lưới giao thông tốt.
Đánh giá chung, đường bộ ĐBSCL đang yếu, chúng tôi cố gắng từng bước, trong nhiệm kỳ tới có ưu tiên nhiều hơn, đảm bảo cân đối vùng miền, phục vụ bà con tốt hơn"- ông Thể hứa.
Tuy nhiên, ông Thể cũng cho rằng hiện 70% hàng hóa từ ĐBSCL phải vận chuyển lên các cảng ở TP.HCM để xuất khẩu, 30% còn lại cũng qua cảng nhỏ nên đẩy chi phí lên cao.
Về giải pháp kéo giá vận chuyển xuống cần làm một cảng lớn ở ĐBSCL và bộ đang tiếp thu ý kiến, khẩn trương đến tháng 7-2020 trình Chính phủ thông qua quy hoạch cảng biển ĐBSCL giai đoạn sắp tới.
Theo đó, sẽ có cơ sở để triển khai cảng Trần Đề (Sóc Trăng) với công suất khai thác lớn gấp 10 lần cảng Cái Cui ở TP Cần Thơ hiện tại mà theo ông Thể "nếu làm được sẽ giảm chi phí vận tải rất lớn, tạo sức cạnh tranh hàng hóa cho ĐBSCL".
Nói thêm về vân đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ là công trình rất lớn mà Đảng, Nhà nước và đặc biệt Chính phủ luôn quan tâm xử lý.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu phát triển một cách cấp bách tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và hệ thống cảng biển ở ĐBSCL để giảm chi phí vận chuyển cho nông sản, hàng hóa của vùng này.
Xử lý nạn khai thác cát gây sạt lở
Nông dân Lý Văn Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - cho biết sạt lở hiện nay ảnh hưởng lớn đời sống người dân mà theo ông biết toàn vùng ĐBSCL có 650 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km.
"Theo người dân, việc sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu là do khai thác cát quá mức. Qua hội nghị này, xin Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục sạt lở và xử lý nạn khai thác cát ở ĐBSCL?"
Nông dân đặt câu hỏi với Thủ tướng tại buổi đối thoại - Ảnh: NGỌC HÂN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết một số công trình cấp bách sạt lở sẽ được ưu tiên sử dụng ngay vốn từ nguồn dự phòng ngân sách 2019. Bộ Kế hoạch - đầu tư được giao rà soát toàn bộ tình trạng sạt lở, xác định điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách cần giải quyết sớm.
Sắp tới bộ sẽ trình Thủ tướng sử dụng ngay nguồn dự phòng trung ương, giúp các địa phương khắc phục ngay. Còn sạt lở khai do thác cát, ông Dũng cho rằng cần có sự kiểm soát đặc biệt của địa phương. "Đây là trách nhiệm, vai trò của các điạ phương", ông Dũng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thời gian tới cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, trước hết là vấn đề sạt lở, biến đổi khí hậu. Theo thủ tướng, Chính phủ đã có chủ trương, biện pháp để cùng bà con tháo gỡ những vấn vấn đề cấp bách.
"Tôi tin rằng sau hội nghị này có chuyển biến tốt hơn. Thủ tướng giao các bộ ngành chức năng, địa phương căn cứ chức năng của mình mà xử lý những vấn đề mà nông dân đặt ra" - Thủ tướng yêu cầu.
Nông dân Lý Thị Nga (Cao Bằng) cho biết hiện có nhiều công ty xuất khẩu lao động có đường dây về nông thôn lừa đảo đi xuất khẩu lao động chui và vụ việc 39 nạn nhân tử vong ở Anh là một việc rất đau lòng. "Chúng tôi mong Thủ tướng chỉ đạo điều tra, triệt phá các đường dây lừa đảo này"- bà Nga đề nghị.
Bà Nga vừa kết thúc câu hỏi, Thủ tướng trả lời ngay nếu có hồ sơ cụ thể "chúng tôi sẽ yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm khắc nhất".
Thủ tướng dẫn chứng như vụ 39 lao động tử vong ở Anh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra nhanh nhất và thông tin cho nhân dân biết.
Thủ tướng cũng cho rằng trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng là thông tin, hướng dẫn cho nông dân biết, tránh tình trạng bị lừa đảo và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận